Search
Thứ Sáu 8 Tháng Mười Một 2024
  • :
  • :

Spiramycin thuốc điều trị nhiễm khuẩn và những lưu ý khi sử dụng

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (3 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:

Spiramycin là thuốc kháng sinh được chỉ định điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra như nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn da và nhiễm khuẩn đường sinh dục.

Thuốc Spiramycin điều trị các bệnh lý nhiễm vi khuẩn

 1.Spiramycin là thuốc

DSCK1.NGUYỄN HỒNG DIỄM giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: Spiramycin là kháng sinh macrolid, có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn thông qua cơ chế là ức chế sự tổng hợp protein ở vi khuẩn nhạy cảm bằng cách gắn kết đặc hiệu trên tiểu đơn vị 50S ribosom của vi khuẩn nhạy cảm, từ đó ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Ở các nồng độ trong huyết tương, Spiramycin có tác dụng kìm khuẩn, nhưng khi đạt nồng độ ở mô Spiramycin có thể diệt khuẩn.

Phổ kháng khuẩn: 

Trên lâm sàng, Spiramycin có phổ tác dụng rộng trên cả vi khuẩn Gram dương, vi khuẩn Gram âm và vi khuẩn kỵ khí.

Vi khuẩn hiếu khí Gram dương: Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, Streptococcus pyogenes, liên cầu tiêu huyết a Streptococcus viridans, Streptococcus agalactiae, Bacillus cereus, Corynebacterium diphtheria, Enterococci, Rhodococcus equi, Staphylococcus meti-S, Staphylococcus metl-R*, Streptococcus B, Unclassified streptococcus, Enterococcus, Bordetella pertussis, Corynebacteria, Chlamydia, Actinomyces, một số chủng Mycoplasma và Toxoplasma cũng nhạy cảm với Spiramycin.

Vi khuẩn hiếu khí Gram âm: Spiramycin tác dụng mạnh trên vi khuẩn Gram âm như Bordetella pertussis, Bordetella parapertussis, Branhamella catarrhalis, Campylobacter, Legionella, Moraxella, Neisseria gonorrhoeae, Neisseria meningitidis.

Vi khuẩn kỵ khí: Bacteroides fragilis, Bacteroides distasonis, Bacteroides thetaiotaomicron, Bacteroides vulgatus, Bacteroides ovatus, Bacteroides merdae, Bacteroides stercoris, Bacteroides uniformis; Prevotella intermedia, Prevotella melaninogenica, Prevotella bivia, Prevotella nigrescens, Prevotella disiens; Mobiluncus, Actinomyces, Eubacterium, Mobiluncus, Peptostreptococcus, Porphyromonas, Propionibacterium acnes, Clostridium perfringens.

Vi khuẩn khác: Borrelia burgdorferi, Chlamydia, Coxiella, Leptospires, Mycoplasma pneumoniae, Treponema pallidum, Ureaplasma urealyticum.

Hiện tượng đề kháng:

Ở Việt Nam, kháng sinh nhóm Macrolid được sử dụng nhiều trên lâm sàng, dẫn đến tình trạng vi khuẩn đề kháng thuốc của các kháng sinh nhóm này. Cơ chế đề kháng của vi khuẩn với các Macrolid là do giảm tính thẩm thấu của vỏ tế bào vi khuẩn hoặc làm thay đổi sự gắn kết ribosom 50S ở vị trí thụ thể trong quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn hoặc làm giảm ái lực của Macrolid gắn vào tế bào vi khuẩn. Ngoài ra, còn có đề kháng chéo giữa Spiramycin với Erythromycin, Clarithromycin và Azithromycin.

Các chủng vi khuẩn kháng với Spiramycin bao gồm Vi khuẩn hiếu khí Gram dương: Corynebacterium jeikeium, Nocardia asteroides. Vi khuẩn hiếu khí Gram âm: Haemophilus, Enterobacteria, Acinetobacter, Pseudomonas. Vi khuẩn kỵ khí: Fusobacterium. Các vi khuẩn khác: Mycoplasma hominis.

Dược động học:

Spiramycin được hấp thu nhanh nhưng không hoàn toàn qua đường uống. Sinh khả dụng thấp khoảng 20 – 50%. Thuốc đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương là 3,3 mcg/ml trong vòng 2 – 4 giờ sau khi uống liều 6 M.I.U Spiramycin. Thức ăn làm giảm sinh khả dụng thu thuốc.

Spiramycin gắn với protein huyết tương thấp khoảng 10%. Spiramycin phân bố rộng khắp cơ thể. Thuốc đạt nồng độ cao trong các mô: phổi, amidan, phế quản và các xoang, trong nước bọt, mô xương, trong gan, lách và thận. Spiramycin không xâm nhập qua hàng rào máu – não, nhưng thuốc phân bố được vào sữa mẹ.

Các macrolides được thâm nhập và tích lũy trong các thực bào với nồng độ cao như bạch cầu trung tính, bạch cầu đơn nhân, đại thực bào màng bụng và phế nang. Thời gian bán thải của Spiramycin khoảng 8 giờ.

Spiramycin được chuyển hóa ở gan thành các chất chuyển hóa có hoạt tính nhưng không rõ cấu trúc hóa học. Spiramycin thải trừ chủ yếu qua mật trong phân. Nồng độ thuốc trong mật cao hơn nồng độ trong huyết tương gấp 15 đến 40 lần. Một phần được đào thải qua thận trong nước tiểu khoảng 10% liều dùng.

2.Dạng thuốc và hàm lượng của Spiramycin

Sử dụng thuốc Spiramycin được sản xuất trên thị trường với dạng thuốc và hàm lượng là:

Viên nén bao phim: 750.000 IU, 1.500.000 IU, 3.000.000 IU.

Bột pha hỗn dịch uống: Gói 750.000 IU, 1.500.000 IU.

Bột đông khô để pha tiêm: Lọ 1.500.000 IU.

Viên nén bao phim dạng kết hợp:  chứa 750.000 IU Spiramycin và 125 mg Metronidazol.

Brand name:

Generic: Rovahadin, Rovas, SpiraDHG, Spiramycin DHG, Rovabiotic, Spibiotic, Spiramicin, Rovagi, Antirova sac, Sefutin, Rocinva, Tinforova, Spiramycin FTpharma, Spydmax, Opespira, Rosnacin, Spiramox, Pirovacin, Pirovacin sachet, Spiramicin Savi, Spiramycin Tipharco, Grovababy,  Rocine, Spiramycin-VMG, Spiramycin Phúc Vinh, Spiramycin S.Pharm, Spiramycin Bình Thuận, Spiramycin Phapharco, Rospycin, Spobavas, Rovathepharm, Spyrathepharm, Spiramycin Euvipharm, Novomycine, Infecin, Rovalid, Doropycin, Franrova, Becovacine, Glonacin, Vispi fort, Spirastad.

3.Thuốc Spiramycin được dùng cho những trường hợp nào

Điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn do những vi khuẩn nhạy cảm với Spiramycin  như:

  • Nhiễm khuẩn tai – mũi – họng, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn miệng và nhiễm khuẩn sinh dục không do lậu cầu.
  • Điều trị bệnh nhiễm toxoplasma ở phụ nữ đang mang thai.
  • Điều trị dự phòng viêm màng não do não mô cầu meningococcus trong trường hợp người bệnh có chống chỉ định với Rifampicin.
  • Điều trị dự phòng sốt thấp khớp tái phát, trong trường hợp người bệnh dị ứng với beta-lactams.

Phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae là nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm phế quản ở trẻ em

4.Cách dùng – Liều lượng của Spiramycin

Cách dùng: Thuốc Spiramycin dạng viên được dùng đường uống trước hoặc sau bữa ăn 2 – 3 giờ. Thời gian điều trị liên tục và kéo dài ít nhất là 7 – 14 ngày tùy thuộc vào loại nhiễm khuẩn và mức độ tình trạng của người bệnh. Thuốc dạng tiêm dùng đường truyền tĩnh mạch chậm.

Liều dùng:

Liều lượng và hoạt lực của Spiramycin được biểu thị bằng đơn vị quốc tế hoặc mg. Quy đổi 1 mg Spiramycin tương đương với khoảng 3.000 đơn vị quốc tế (đvqt), (I.U).

Các bệnh nhiễm khuẩn:

Người lớn: Uống 1.500 000 I.U đến 3.000 000 I.U/lần x 3 lần trong 24 giờ.

Trẻ nhỏ và trẻ em: Uống 150.000 I.U/kg thể trọng/24 giờ, chia làm 3 lần.

Dự phòng viêm màng não do nhiễm các chủng Meningococcus:

Người lớn: Uống 3.000 000 I.U/lần, cách 12 giờ uống một lần.

Trẻ em: Uống 75.000 I.U/kg thể trọng, cách 12 giờ uống một lần, dùng trong 5 ngày.

Ðiều trị dự phòng nhiễm Toxoplasma bẩm sinh trong thời kỳ mang thai:

Uống 3.000 000 I.U/lần x 3 lần trong 24 giờ, uống trong 3 tuần, cứ cách 2 tuần lại uống liều nhắc lại.

Người bệnh dùng Spiramycin phải dùng liên tục theo hết đợt điều trị.

Dạng thuốc tiêm dành cho người lớn:

Liều khuyên dùng để truyền tĩnh mạch chậm là 1.500 000 I.U/lần, cách 8 giờ truyền tĩnh mạch chậm một lần. Nên chuyển từ truyền tĩnh mạch sang đường uống ngay khi tình trạng lâm sàng của người bệnh cho phép.

Cách pha thuốc tiêm: Lọ thuốc bột 1.500 000 I.U được pha với 4 ml nước cất pha tiêm vô khuẩn. Lắc kỹ cho đến tan. Pha loãng dung dịch này với dung dịch glucose 5% để có thể tích tối thiểu là 100 ml dùng để truyền tĩnh mạch chậm.

Tóm lại, Liều dùng trên để tham khảo, tuỳ vào tuổi, mức độ diễn tiến của bệnh, người bệnh tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về liều dùng, cách dùng và liệu trình điều trị để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả.

5.Cách xử lý nếu quên liều thuốc Spiramycin

Nếu người bệnh quên một liều Spiramycin nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Không dùng liều gấp đôi. Nếu gần đến giờ uống của liều thuốc tiếp theo, chỉ cần dùng liều thuốc tiếp theo vào đúng giờ đã lên kế hoạch.

6.Cách xử lý khi dùng quá liều thuốc Spiramycin

Người bệnh dùng quá liều Spiramycin thường có triệu chứng lâm sàng nhẹ như buồn nôn, nôn, tieu chảy. Khi tiêm truyền tĩnh mạch liều cao cho trẻ sơ sinh xuất hiện khoảng QT kéo dài.

Xử lý khi quá liều: Nếu người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào do dùng thuốc quá liều, nên ngừng thuốc ngay và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị triệu chứng. Rửa dạ dày và dùng than hoạt loại thuốc ra khỏi đường tiêu hoá.

7.Những lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Spiramycin

1.Thuốc Spiramycin không được dùng cho những trương hợp sau:

Người có tiền sử mẫn cảm với Spiramycin hoặc với thuốc kháng sinh nhóm Macrolid khác hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.

2.Thận trọng khi sử dụng thuốc Spiramycin cho những trường hợp sau:

  • Lưu ý thận trọng khi dùng Spiramycin cho người suy gan, vì thuốc có thể gây độc và làm nặng thêm tình trạng suy gan.
  • Lưu ý thận trọng khi dùng Spiramycin cho người suy thận, vì thuốc có thể gây độc và làm nặng thêm tình trạng suy thận. Tuy nhiên, không cần thiết phải điều chỉnh liều cho người bị suy thận.
  • Lưu ý thận trọng khi dùng Spiramycin cho người bị thiếu men glucose-6-phosphate-dehydrogenase là một bệnh di truyền hiếm gặp gây thiếu men trong hồng cầu, dẫn đến thiếu máu.
  • Lưu ý với phụ nữ có thai, chưa có dữ liệu lâm sàng về thuốc Spiramycin gây độc cho thai nhi hay phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn khuyến cáo không sử dụng Spiramycin cho phụ nữ thời kỳ mang thai. Chỉ nên sử dụng thuốc Spiramycin cho phụ nữ mang thai khi thật sự cần thiết.
  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú, Spiramycin bài tiết qua sữa mẹ ở nồng nhất định và chưa có dữ liệu lâm sàng chứng minh thuốc gây hại cho trẻ bú sữa mẹ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn khuyến cáo không sử dụng Spiramycin cho phụ nữ đang nuôi con bú. Spiramycin có thể sử dụng cho phụ nữ nuôi con bú khi thật sự cần thiết.
  • Lưu ý thận trọng với người đang lái xe và vận hành máy móc, vì thuốc Spiramycin có thể gây ra tác dụng không mong muốn như mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt.

8.Thuốc Spiramycin gây ra tác dụng phụ nào

  1. Thường gặp: Khi dùng đường uống xảy ra RLTH như buồn nôn, nôn, ỉa chảy, khó tiêu. Khi dùng đường tiêm gây kích ứng tại chỗ tiêm.
  2. Ít gặp: Mệt mỏi, ban da, ngoại ban, mày đay, đổ mồ hôi, cảm giác đè ép ngực, dị cảm tạm thời, loạn cảm, lảo đảo, đau, chảy máu cam, cứng cơ và khớp nối, cảm giác nóng rát, nóng đỏ bừng khi tiêm truyền tĩnh mạch, viêm kết tràng cấp.
  3. Hiếm gặp: Phản ứng phản vệ, bội nhiễm do uống Spiramycin dài ngày.

Trong quá trình điều trị bằng thuốc Spiramycin, người bệnh có bất kỳ triệu chứng bất thường nào nghi ngờ do sử dụng thuốc Spiramycin, cần tham khảo ý kiến của dược sĩ hoặc bác sĩ tư vấn để xử trí kịp thời.

Thận trọng với tác dụng phụ gây rối loạn tiêu hoá của Spiramycin khi dùng cho trẻ

9.Spiramycin tương tác với các thuốc nào

Thuốc uống ngừa thai: Dùng đồng thời với Spiramycin sẽ làm mất tác dụng phòng ngừa thụ thai của thuốc ngừa thai.

Levodopa phối hợp với carbidopa: Dùng đồng thời với Spiramycin gây ức chế sự hấp thu Carbidopa và giảm nồng độ Levodopa trong huyết tương. Cần theo dõi và chỉnh liều của Levodopa.

Thuốc kháng đông dạng uống: Dùng đồng thời với Spiramycin làm tăng hoạt tính của thuốc kháng đông dạng uống. Một số nhóm kháng sinh có liên quan nhiều hơn, như macrolides khác, fluoroquinolones, cotrimoxazole, cyclins và cephalosporins.

Tóm lại, tương tác thuốc có thể làm thay đổi hiệu quả điều trị của thuốc hoặc làm tác dụng phụ nặng hơn. Người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng hoặc thông báo những loại thuốc đang dùng có nguy cơ để sử dụng thuốc an toàn và đạt hiệu quả.

10.Bảo quản Spiramycin như thế nào

Ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ Cao đẳng Dược Spiramycin được bảo quản thuốc theo hướng dẫn khuyến cáo của nhà sản xuất. Nhiệt độ bảo quản dưới 30°C, tránh ẩm, tránh tiếp xúc trực tiếp ánh sáng mặt trời để đảm bảo giữ chất lượng thuốc.

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM

Tài liệu tham khảo:

  1. Mims.com: https://www.mims.com/vietnam/drug/search?q=Spiramycin
  2. Uptodate.com: https://www.uptodate.com/contents/search?search=Spiramycin
  3. Dược thư quốc gia Việt Nam 2018.

XEM THÊM: DUOCSI.EDU.VN