Search
Chủ Nhật 24 Tháng Mười Một 2024
  • :
  • :

Valacyclovir Thuốc điều trị virus và những lưu ý khi sử dụng

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:

Valacyclovir là thuốc được sử dụng điều trị những bệnh lý nhiễm trùng do một số loại virus gây ra như bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster, bệnh mụn rộp quanh miệng do virus Herpes Simplex, bệnh zona do virus Herpes Zoster…

Thuốc Valacyclovir điều trị virus Herpes

1. Valacyclovir là thuốc

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM giảng viên Trường Cao đẳng Dược cho biết: Valacyclovir là thuốc kháng virus, tiền chất của Acyclovir, thuốc có tác dụng chống lại Herpesviridae bao gồm virus Herpes cả loại 1 và 2 (HSV-1 và HSV-2), virus varicella-zoster (VZV) và cytomegalovirus (CMV) thông qua cơ chế là ức chế sự sao chép DNA của virus bằng cách ức chế cạnh tranh DNA polymerase của virus, kết hợp và kết thúc chuỗi DNA virus đang phát triển và bất hoạt enzyme DNA polymerase của virus.

Valacyclovir là một “tiền thuốc”, bản thân thuốc không có hoạt động tác dụng. Trong cơ thể Valacyclovir được chuyển thành Acyclovir, và Acyclovir có hoạt tính chống lại virus khi sử dụng qua đường uống hay đường tiêm tĩnh mạch hoặc đường bôi tại chỗ. Do đó, Valacyclovir cũng có tác dụng chống lại những virus tương tự Acyclovir, nhưng Valacyclovir có thời gian tác dụng dài hơn Acyclovir nên số lần uống trong ngày ít hơn Acyclovir.

Dược động học:

Valacyclovir là một tiền chất của Acyclovir, sau khi uống thuốc được hấp thu nhanh và hoàn toàn thành Acyclovir. Sinh khả dụng của Acyclovir được chuyển từ Valaciclovir lớn hơn khoảng 3,3 đến 5,5 lần so với khi cho uống Acyclovir. Valacyclovir đạt được nồng độ đỉnh trong huyết tương trong vòng 1,7 giờ.

Valacyclovir gắn kết với protein huyết tương rất thấp khoảng 15%. Thuốc tự do được phân bố tốt vào các mô tổ chức trong cơ thể và phân bố vào sữa mẹ.

Valacyclovir được chuyển hóa thành Acyclovir và l-valine ở ruột và gan. Valacyclovir và Acyclovir không được chuyển hóa bởi các enzym cytochrome P450 ở gan. Valacyclovir thải trừ chủ yếu qua nước tiểu và phân. Thời gian bán thải 3 giờ.

2.Dạng thuốc và hàm lượng của Valacyclovir

Valacyclovir được sản xuất trên thị trường dưới dạng thuốc và hàm lượng là:

Viên nén 250mg, 500mg, 1000mg.

Brand name:

Generic: Valcivir-500, Valcivir-1000, Centrex-500, Centrex-1000, Valaciclovir , Valacyclovir, Valtrex, Valacyclovir Sandoz 500, Valclovir – 500, Valclovir – 1000.

3.Thuốc Valacyclovir được dùng cho những trường hợp nào

  1. Điều trị các bệnh nhiễm trùng gây ra bởi virus herpes ở người lớn và trẻ em như bệnh zona (herpes zoster), bệnh thủy đậu, herpes sinh dục, vết loét lạnh, mụn rộp quanh miệng môi.
  2. Điều trị nhiễm virus herpes zoster (giời leo) ở người lớn bị suy giảm miễn dịch nhẹ hoặc trung bình.
  3. Điều trị nhiễm virus varicella zoster (VZV) – herpes zoster và zoster mắt ở người lớn có đủ khả năng miễn dịch hoặc bị ức chế miễn dịch nhẹ đến trung bình.
  4. Điều trị nhiễm virus Herpes simplex (HSV) trên da và niêm mạc như bệnh herpes sinh dục ở người lớn bị suy giảm miễn dịch, mụn rộp sinh dục ở người bệnh bị suy giảm miễn dịch, mụn rộp ở môi.
  5. Điều trị và dự phòng thứ phát chống tái phát nhiễm HSV ở những người nhiễm HIV bị tái phát thường xuyên hoặc nghiêm trọng.
  6. Điều trị và phòng ngừa nhiễm HSV tái phát ở mắt.
  7. Điều trị và phòng ngừa bệnh lý nhiễm trùng do Cytomegalovirus (CMV) và bệnh sau khi cấy ghép nội tạng ở người lớn và thanh thiếu niên.

4.Cách dùng – Liều lượng của Valacyclovir

Cách dùng: Thuốc Valacyclovir được dùng bằng đường uống sau bữa ăn hoặc uống cùng với thức ăn.

Liều dùng cho người lớn:

Điều trị herpes zoster (giời leo):

Người lớn uống 1000mg/lần x 3 lần/ngày, uống liên tục trong 7 ngày. Nên bắt đầu điều trị ngay khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên và thuốc có hiệu quả nhất trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phát ban.

Điều trị nhiễm virus varicella zoster (VZV) – herpes zoster và zoster mắt, bệnh thủy đậu:

Uống liều khuyến cáo là 1000mg x 3 lần/ ngày, uống liên tục trong 7 ngày. Nên bắt đầu điều trị khi có dấu hiệu hoặc triệu chứng sớm nhất.

Điều trị herpes labialis (mụn rộp môi):

Uống liều khuyến cáo là 2000 mg/lần x 2 lần/ ngày, cách nhau 12 giờ. Nên bắt đầu điều trị khi nhận thấy các triệu chứng mụn rộp như ngứa ran, ngứa hoặc rát)= quanh môi.

Điều trị Herpes sinh dục:

Liều khởi đầu là uống 1000mg/lần x 2 lần/ ngày, uống liên tục trong 10 ngày. Nên bắt đầu điều trị ngay khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên và thuốc có hiệu quả nhất trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu các dấu hiệu và triệu chứng.

Liều cho đợt tái phát là uống 500mg/lần x 2 lần/ngày, uống liên tục trong 3 ngày. Nên bắt đầu điều trị ngay khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên trong vòng 12 giờ.

Điều trị vết loét lạnh:

Uống liều 2000mg mỗi 12 giờ trong 1 ngày. Điều trị nên được bắt đầu ngay khi có các triệu chứng đầu tiên như ngứa ran, ngứa hoặc nóng rát và thuốc có hiệu quả nhất nếu được bắt đầu trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng..

Dự phòng tái phát tái phát nhiễm HSV ở người bệnh HIV:

Uống liều 500 mg/lần x 2 lần mỗi ngày.

Điều trị và dự phòng bệnh nhiễm trùng do cytomegalovirus (CMV):

Uống liều khuyến cáo là 2000 mg/lần x 4 lần/ ngày. Uống liên tục trong thời gian 90 ngày.

Trẻ em dưới 12 tuổi không khuyến cáo dùng thuốc Valacyclovir vì hiệu quả và tính an toàn vẫn chưa được xác định ở đối tượng này.

Tóm lại, tuỳ theo tình trạng mức độ của bệnh, người bệnh cần tuân thủ theo liều dùng chỉ định và thời gian điều trị của bác sĩ để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả trong điều trị tốt nhất.

Cách dùng thuốc Valacyclovir điều trị virus Herpes

5.Cách xử lý nếu quên liều thuốc Valacyclovir

Nếu người bệnh quên một liều Valacyclovir nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Không dùng liều gấp đôi. Nếu gần đến giờ uống của liều thuốc tiếp theo, chỉ cần uống liều thuốc tiếp theo vào đúng giờ như trong kế hoạch điều trị.

6.Cách xử lý khi dùng quá liều thuốc Valacyclovir

Người bệnh dùng quá liều Valacyclovir thường xảy ra triệu chứng như buồn nô, nôn, suy thận cấp, lú lẫn, ảo giác, kích động, giảm ý thức và hôn mê.

Xử trí khi quá liều, nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng bất thường nào do dùng thuốc quá liều, phải ngừng thuốc ngay và đưa đến bệnh viện gần nhất để điều trị triệu chứng. Đồng thời dùng biện pháp thích hợp loại thuốc ra khỏi đường tiêu hoá.

7.Những lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Valacyclovir

1.Thuốc Valacyclovir không được dùng cho người trường hợp sau:

Người có tiền sử mẫn cảm với Valacyclovir hoặc Acyclovir hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.

Trẻ em dưới 12 tuổi.

2.Thận trọng khi sử dụng thuốc Valacyclovir cho những trương hợp sau:

  • Người có tiền sử bệnh lý về gan hoặc bệnh thận.
  • Người suy giam chức năng hệ thống miễn dịch.
  • Người nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch (HIV) hoặc hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).
  • Thận trọng khi sử dụng Valacyclovir cho trẻ em để điều trị vết loét lạnh ở bệnh nhi ≥ 12 tuổi và bệnh thủy đậu ở trẻ em từ 2 đến <18 tuổi.
  • Thận trọng khi sử dụng Valacyclovir ở người cao tuổi và bệnh nhân suy thận: Cần theo dõi chức năng thận và hiều chỉnh giảm liều.
  • Lưu ý thời kỳ mang thai, chưa có dữ liệu lâm sàng chứng minh sử dụng Valacyclovir ảnh hưởng trên phụ nữ có thai và thai nhi. Khuyến cáo không dùng Valacyclovir trong thời kỳ mang thai.
  • Lưu ý thời kỳ cho con bú, sử dụng Valacyclovir trên phụ nữ cho con bú, thuốc có bài tiết qua sữa mẹ ở nồng độ nhất định. Chưa có dữ liệu lâm sàng xác định được độ an toàn của Valacyclovir ở trẻ bú mẹ. Khuyến cao không dùng Valacyclovir trong thời kỳ cho con bú.
  • Thận trọng khi sử dụng Valacyclovir cho người đang lái xe và vận hành máy móc.

8.Thuốc Valacyclovir gây ra các tác dụng phụ nào

  1. Thường gặp: Buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy, phát ban, da nhạy cảm ánh sáng, ngứa.
  2. Ít gặp: Đau bụng, khó thở, lú lẫn, ảo giác, giảm ý thức, run, kích động, đau thận, tiểu ra máu, rối loạn chức năng gan, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
  3. Hiếm gặp: Phù mạch, sốc phản vệ, mất điều hòa, rối loạn nhịp tim, co giật, bệnh não, hôn mê, các triệu chứng loạn thần, mê sảng, suy thận, suy thận cấp.

Trong quá trình sử dụng thuốc Valacyclovir, người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào nghi ngờ rằng do sử dụng thuốc Valacyclovir, nên xin ý kiến của chuyên gia y tế tư vấn để xử trí kịp thời.

Thuốc Valacyclovir gây ảo giác

9.Valacyclovir tương tác với các thuốc nào

  • Các thuốc gây độc cho thận như aminoglycoside, organoplatinum, chất cản quang có i-ốt, methotrexate, pentamidine, foscarnet, ciclosporin và tacrolimus: Khi dùng chung với Valacyclovir sẽ làm nặng thêm tình tràng gây độc cho thận. Tránh phối hợp.
  • Người bị suy giảm chức năng thận: Khi  sử dụng Valacyclovir điều trị nhiễm virus Herpes sẽ làm chức năng thận suy giảm nghiêm trọng hơn.
  • Enalapril, Lansoprazole, Axit Aminohippuric, Valproic acid, Liothyronine, Pravastatin, Aspartame, Guanidin, Cefdinir, Zidovudin: Các thuốc này làm giàm sử sự thải trừ của Valacyclovir và tăng nồng độ của Valacyclovir trong huyết tương khi được kết hợp đồng thời.

Tóm lại, tương tác thuốc có thể làm thay đổi hiệu quả của thuốc hoặc làm tăng độc tính tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng hoặc thông báo cho bác sĩ các loại thuốc đang dùng có nguy cơ, giúp bác sĩ kê đơn an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất.

10.Bảo quản Valacyclovir như thế nào?

 Ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ Cao đẳng Dược: Valacyclovir bảo quản thuốc theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Nhiệt độ dưới 30°C, khô thoáng, tránh ánh sáng.

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM

Tài liệu tham khảo:

  1. Drugs.com: https://www.drugs.com/valacyclovir.html
  2. Medicines.org.uk: https://www.medicines.org.uk/emc/product/4349/smpc