Chlorpheniramine thường được sử dụng điều trị triệu chứng của các bệnh lý dị ứng như viêm mũi dị ứng, mày đay, viêm kết mạc dị ứng, viêm da tiếp xúc, phù mạch, phù Quincke, dị ứng bởi thức ăn và ngứa dị ứng do côn trùng đốt.
- Sodium bicarbonate là thuốc gì
- Furosemide thuốc lợi tiểu thải kali và những lưu ý khi sử dụng
- Ofloxacin thuốc điều trị nhiễm khuẩn và những lưu ý khi sử dụng
Chlorpheniramine Thuốc chống dị ứng
1. Chlorpheniramine là thuốc gì
DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM giảng viên Trường Cao đẳng Dược cho biết: Chlorpheniramine là thuốc kháng histamin H1, có tác dụng chống dị ứng và an thần trung bình thuộc thế hệ thứ nhất. Thuốc làm giảm các triệu chứng dị ứng, sốt cỏ khô, cảm lạnh thông thường, các tình trạng dị ứng kháng như phát ban, chảy nước mắt, chảy nước mũi, ngứa mắt, ngứa mũi, ngứa họng, ngứa da, ho và hắt hơi.
Tác dụng chống dị ứng của Chlorpheniramine thông qua cơ chế là làm giảm hoặc làm mất tác dụng chính của histamin H1 trong cơ thể bằng cách cạnh tranh phong bế với histamin tại các thụ thể H1 ở các mô trên đường tiêu hóa, thành mạch và đường hô hấp. Chlorpheniramine không làm mất hoạt tính của histamin và không ngăn cản tổng hợp hoặc giải phóng histamin.
Các chế phẩm của Chlorpheniramine phải dùng thận trọng cho trẻ em và thường phải tránh dùng cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, vì có nguy cơ gây tử vong.
Một đồng phân dextro của Chlorpheniramine là Dexclopheniramin có tác dụng chống dị ứng mạnh gấp 2 lần.
Chlorpheniramin maleat hấp thu tốt qua đường tiêu hoá nhưng tương đối chậm. Sinh khả dụng của Chlorpheniramin thấp khoảng 25 – 50%. Nồng độ đỉnh huyết tươngng đạt được trong khoảng 2,5 đến 6 giờ sau khi uống. Khoảng 5 – 45% liều đơn vào được tuần hoàn toàn thân dưới dạng thuốc không chuyển hóa.
Chlorpheniramine liên kết với protein khoảng 70%. Clorpheniramin maleat chuyển hóa nhanh và nhiều qua gan. Thuốc được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng không đổi hoặc chuyển hóa, sự bài tiết phụ thuộc vào pH và lưu lượng nước tiểu. Một lượng nhỏ thuốc được thải trừ theo đường mật qua phân. Thời gian bán thải của Chlorpheniramin khoảng từ 12 – 43 giờ ở người lớn và chức năng gan bình thường, khoảng từ 5,2 – 23,1 giờ đối với trẻ em và kéo dài tới 280 – 330 giờ ở người bệnh suy thận mạn.
2.Dạng thuốc và hàm lượng của Chlorpheniramine
Chlorpheniramine được sản xuất trên thị trường dưới dạng thuốc và hàm lượng như:
- Viên nén: 4 mg, 8 mg, 12 mg.
- Viên nén phóng thích kéo dài: 8 mg, 12 mg.
- Viên nang cứng: 4 mg, 12 mg.
- Viên nang tác dụng kéo dài: 8 mg, 12 mg.
- Sirô: 2 mg/5 ml, 8mg/5ml.
Brand name:
Generic: Clophehadi, Clorpheniramin 4, Clorpheniramin-sc, Clorpheniramin-t, Vudu-Clorpheniramin, Clorpheniramin 4 mg DHG, Allerfar, Clorpheboston, Chlorpheniramine Maleate 4 mg, pms-Chlorpheniramin 4mg, Acdinral, Axcel Chlorpheniramine-2 Syrup, Axcel Chlorpheniramine-4 Syrup, Clorpheniramin maleat 4mg, Clorpheniramin, Chlorpheniramine 4mg, Clopheniramin 4mg, Abochlorphe, Chlorpheniramin 4mg,Agitec-F, Allermine, Clorpheniramin-bc.
3.Thuốc Chlorpheniramine dùng cho những trường hợp nào
Ðiều trị các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng theo mùa và quanh năm như cay cay trong mũi, ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi trong suốt giống như nước lã, cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, ngứa hầu họng.
Ðiều trị các triệu chứng dị ứng khác như mày đay, viêm mũi vận mạch do histamin, viêm kết mạc dị ứng, viêm da tiếp xúc, dị ứng thức ăn, phản ứng huyết thanh, côn trùng đốt, mạch phù, phù Quincke, ngứa ở người bệnh bị sởi hoặc thủy đậu, côn trùng đốt.
4.Cách dùng – Liều lượng của Chlorpheniramine
- Cách dùng: Chlorpheniramine dạng thuốc viên, dạng sirô được dùng đường uống với nước lọc sau bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Viên tác dụng kéo dài uống nguyên viên, không nhai, không bẻ. Dạng viên tác dụng kéo dài khuyến cáo không dùng cho trẻ em.
- Liều dùng:
- Người lớn: Uống 4 mg/lần x 3 lần/ngày, uống cách 4 – 6 giờ/lần. Liều tối đa: 24 mg/ngày, ở người cao tuổi liều tối đa là 12 mg/ngày.
Trẻ em từ 12 – 18 tuổi: Uống 4 mg/ lần x 3 lần/ngày, uống cách 4 – 6 giờ/lần. Liều tối đa: 24 mg/ngày.
Trẻ em từ 6 – 12 tuổi: Uống 2mg/lần x 2 – 3 lần/ngày, uống cách 4 – 6 giờ/lần. Liều tối đa: 12 mg/ngày.
Trẻ em từ 2 – 5 tuổi: Uống 1mg/lần x 2 – 3 lần/ngày, uống cách nhau từ 4 – 6 giờ/lần. Liều tối đa: 6 mg/ngày.
Trẻ em từ 1 tháng tuổi – 2 tuổi: Uống 1 mg x 2 lần/ngày.
Thời gian điều trị bằng thuốc Chlorpheniramine không quá 14 ngày.
Lưu ý trẻ em dưới 2 tuổi rất nhạy cảm với thuốc Chlorpheniramine, do đó không tự ý dùng thuốc cho trẻ. Trường hợp quá liều ở trẻ em có thể gây tử vong.
Tuy nhiên, tuỳ theo độ tuổi tình trạng và mức độ diễn tiến của bệnh, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về liều dùng và thời gian điều trị để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả điều trị tối ưu nhất.
Cách dùng liều lượng của Chlorpheniramine
5.Cách xử lý nếu quên liều thuốc Chlorpheniramine
Nếu người bệnh quên một liều Chlorpheniramine nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Không dùng liều gấp đôi. Nếu gần đến thời điểm uống của liều tiếp theo, chỉ cần dùng liều tiếp theo vào đúng thời điểm đã lên kế hoạch điều trị.
6.Cách xử lý khi dùng quá liều thuốc Chlorpheniramine
Khi uống quá liều Chlorpheniramine thường có những triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng như an thần, tác dụng chống tiết acetylcholin, phản ứng loạn trương lực, trụy tim mạch, loạn nhịp, kích thích nghịch thường hệ TKTƯ, loạn tâm thần co giật, cơn động kinh, ngừng thở.
Xử trí khi dùng quá liều: Người bệnh có bất kỳ biểu hiện triệu chứng bất thường nào do quá liều, cần phải ngừng thuốc và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị triệu chứng thích hợp. Theo dõi hỗ trợ các chức năng sống như chức năng gan, thận, hô hấp, tim và cân bằng nước, điện giải. Rửa dạ dày và dùng than hoạt hấp phụ để loại thuốc ra khỏi đường tiêu hoá. Trường hợp nặng, cần điều trị theo phát đồ của bệnh viện.
7.Những lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Chlorpheniramine
Không dùng Chlorpheniramine cho những trường hợp sau:
- Người có tiền sử mẫn cảm với Chlorpheniramine hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Người bệnh đang cơn hen cấp.
- Người bệnh phì đại tuyến tiền liệt.
- Người bị bệnh Glôcôm góc hẹp.
- Người bệnh tắc cổ bàng quang.
- Người bệnh loét dạ dày tá tràng.
- Người bệnh tắc môn vị – tá tràng.
- Phụ nữ mang thai
- Phụ nữ cho con bú
- Tẻ sơ sinh và trẻ thiếu tháng.
- Người bệnh dùng thuốc ức chế monoami.
Thận trọng khi sử dụng thuốc Chlorpheniramine cho những trường hợp sau:
- Thận trọng khi dùng Chlorpheniramine ở người phì đại tuyến tiền liệt, tắc đường niệu, tắc môn vị tá tràng và người bị nhược cơ. Vì Chlorpheniramine làm tăng nguy cơ bị tiểu.
- Thận trọng khi dùng Chlorpheniramine ở người đang có uống rượu hoặc uống đồng thời với thuốc an thần khác. Vì làm tăng tác dụng an thần của Chlorpheniramine.
- Thận trọng khi dùng Chlorpheniramine ở người bị tắc nghẽn phổi hay trẻ em nhỏ, người bệnh phổi mạn tính, thở ngắn hoặc khó thở. Vì Chlorpheniramine gây nguy cơ biến chứng đường hô hấp, suy giảm hô hấp và ngừng thở.
- Thận trọng khi dùng Chlorpheniramine ở người điều trị thời gian dài. Vì thuốc gây nguy cơ bị sâu răng.
- Không dùng Chlorpheniramine cho người bệnh bị tăng nhãn áp như bị glôcôm.
- Thận trọng các tác dụng phụ khi dùng Chlorpheniramine như có thể gây ngủ gà, chóng mặt, hoa mắt, nhìn mờ và suy giảm tâm thần vận động ở một số người bệnh.
- Thận trọng khi dùng Chlorpheniramine ở người cao tuổi.
- Không sử dụng Chlorpheniramine cho bệnh nhân không dung nạp galactose, thiếu hụt Lapp lactase, rối loạn hấp thu glucose-galactose.
- Thận trọng khi dùng Chlorpheniramine ở người dị ứng với tartrazin, vì thuốc có chứa tá dược màu vàng tartrazin có thể gây các phản ứng dị ứng.
- Lưu ý với phụ nữ mang thai, Chlorpheniramine sử dụng trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể dẫn đến những phản ứng gây hại nghiêm trọng như cơn động kinh ở trẻ sơ sinh. Khuyến cáo không Chlorpheniramine cho người mẹ trong thời gian mang thai. Chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết có sự giám sát của bác sĩ.
- Lưu ý với phụ nữ cho con bú, Chlorpheniramine bài tiết qua sữa mẹ ở nồng độ nhất định và ức chế tiết sữa. Khuyến cáo không Chlorpheniramine khi người mẹ trong thời gian cho con bú.
- Cần thận trọng với người đang lái xe và vận hành máy móc: Thuốc Chlorpheniramine có thể gây ra tác dụng không mong muốn như ngủ gà, mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt.
Thận trọng khi sử dụng thuốc Chlorpheniramine khi uống bia
8.Thuốc Chlorpheniramine gây ra các tác dụng phụ nào
Thường gặp: An thần, buồn ngủ, buồn nôn, khô miệng, mệt mỏi, nhìn mờ, rối loạn sự chú ý, phối hợp bất thường, đau đầu, chóng mặt.
Hiếm gặp không rõ tần suất: Chán ăn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu, phản ứng dị ứng, phù mạch, phản ứng phản vệ, viêm da tróc vảy, nổi mẩn, mề đay, nhạy cảm ánh sáng, thiếu máu tán huyết, loạn tạo máu, lú lẫn, kích thích, khó chịu, ác mộng, trầm cảm, ù tai, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, loạn nhịp, hạ huyết áp, tăng dịch tiết phế quản, viêm gan, vàng da, bí tiểu, tức ngực, co giật cơ, yếu cơ.
Trong quá trình sử dụng thuốc Chlorpheniramine, người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào nghi ngờ rằng do sử dụng thuốc Chlorpheniramine thì cần xin ý kiến của bác sĩ tư vấn để xử trí kịp thời.
9.Chlorpheniramine tương tác với các thuốc nào
- Các thuốc ức chế monoamin oxydase: Khi dùng chung với Chlorpheniramine sẽ làm kéo dài và tăng tác dụng chống tiết acetylcholin của Chlorpheniramine.
- Rượu hoặc các thuốc an thần gây ngủ: Khi dùng đồng thời với Chlorpheniramine có thể tăng tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương của Chlorpheniramin.
- Phenytoin: Chlorpheniramin ức chế chuyển hóa Phenytoin, lầm tăng nồng độ Phenytoin trong huyết tương và có thể dẫn đến ngộ độc Phenytoin.
Tóm lại, tương tác thuốc có thể làm thay đổi quả điều trị của thuốc hoặc làm tang tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Để đảm bảo an toàn và đạt lợi ích tối ưu trong điều trị bằng thuốc Chlorpheniramine người bệnh cần có tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc.
10.Bảo quản Chlorpheniramine như thế nào
Ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ Cao đẳng Dược: Chlorpheniramine bảo quản ở nhiệt độ dưới 30°C, khô thoáng, tránh ánh sáng mặt trời để đảm bảo giữ chất lượng thuốc.
DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM
Tài liệu tham khảo:
- Drugs.com: https://www.drugs.com/mtm/chlorpheniramine.html
- Mims.com:
https://www.mims.com/vietnam/drug/search?q=%20Chlorpheniramine
Xem thêm: duochocvietnam.edu.vn