Search
Thứ Bảy 27 Tháng Bảy 2024
  • :
  • :

Furosemide thuốc lợi tiểu thải kali và những lưu ý khi sử dụng

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:

Furosemide là thuốc lợi tiểu, giúp cơ thể đào thải được lượng nước và muối dư thừa, từ đó giúp giảm các tình trạng phù nề, khó thở, sưng ở tay chân và bụng gây ra bởi các bệnh lý như suy tim, tăng huyết áp, bệnh gan và bệnh thận.

Furosemide thuốc lợi tiểu thải kali

1. Furosemide là thuốc

DSCK1 Nguyễn Hồng Diễm giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: Furosemide là thuốc lợi tiểu của dẫn chất Sulfonamid thuộc nhóm tác dụng mạnh, nhanh, phụ thuộc liều lượng. Thuốc có tác dụng lợi tiểu ở nhánh lên của quai Henle, vì vậy được xếp vào nhóm thuốc lợi tiểu quai.

Tác dụng lợi tiểu của Furosemide thuông qua cơ chế là ức chế hệ thống đồng vận chuyển Na+/K+/ 2Cl- ở đoạn dày của nhánh lên quai Henle, làm tăng thải trừ nước và những chất điện giải Ca2+, Mg2+, hydrogen, amoni, bicarbonat và phosphat qua thận. Đồng thời Furosemide làm giảm tái hấp thu Na+, Cl- và tăng thải trừ K+ ở ống lượn xa và cả ống lượn gần. Do mất nhiều kali, hydro và clor có thể gây ra kiềm chuyển hóa. Mặc khác, do làm giảm thể tích huyết tương nên có thể gây ra hạ huyết áp nhưng thường chỉ giảm nhẹ.

Furosemid không đối kháng với aldosteron và không ức chế carbonic anhydrase. Furosemid còn có tác dụng giãn mạch thận, làm giảm sức cản ở mạch thận và dòng máu qua thận tăng.

Furosemid ít tác động lên nồng độ glucose huyết so với thiazid. Tuy nhiên, Furosemid có thể gây tăng glucose huyết, xuất hiện glucose niệu và thay đổi dung nạp glucose do hạ kali huyết.

Dược động học:

Furosemide được hấp thu nhanh qua đường tiêu hoá, sinh khả dụng trung bình khoảng 60 – 70%. Sự hấp thu của Furosemid có thể kéo dài, thay đổi thất thường và có thể giảm bởi thức ăn và tình trạnh bệnh. Tác dụng lợi tiểu xuất hiện nhanh sau 1/2 giờ sau khi uống, đạt nồng độ đỉnh sau 1-2 giờ và duy trì tác dụng từ 6-8 giờ.

Furosemide gắn kết với protein huyết tương cao 99% chủ yếu là albumin. Ở người bị bệnh tim, suy thận và xơ gan thì nồng độ Furosemide tự do cao hơn. Furosemid qua được hàng rào nhau thai và bài tiết vào sữa mẹ.

Furosemid được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng không chuyển hóa và thải trừ hoàn toàn trong 24 giờ. Một phần ba lượng thuốc được thải trừ qua thận. Thời gian bán thải từ 30 – 120 phút ở người bình thường, kéo dài hơn ở bệnh nhân suy gan, suy thận và trẻ sơ sinh.

2.Dạng thuốc và hàm lượng của Furosemide

Furosemide được sản xuất trên thị trường với dạng thuốc và hàm lượng là

  1. Viên nén 20 mg; 40 mg; 80 mg.
  2. Dung dịch uống 10 mg/ml; 20 mg/2 ml; 40 mg/5 ml.
  3. Thuốc tiêm 10 mg/ml, 20 mg/2 ml.

Brand name:

Generic: Fudrovide, Fudrovide 40, Vinzix, Furlac, Furosemide, Furostyl 40, Furosemid traphaco, Furocemid , Becosemid, Forumid, Furosan, Urostad 40, Furosemide Stada 40 mg, Lasix, Diretif, Furosol, Furosemidum Polpharma, Furosemide injection BP 20mg, Furosemide Salf, Suopinchon Injection, Furosemide Inj, Agifuros, A.T Furosemid inj, BFS-Furosemide, Diurefar, Furosemid 20mg/2ml.

3.Thuốc Furosemide được dùng cho những trường hợp nào

  • Điều trị phù do suy tim sung huyết, bệnh thận và bệnh xơ gan.
  • Hỗ trợ điều trị phù phổi cấp, phù não.
  • Điều trị phù và tiểu ít do suy thận cấp hoặc mạn tính.
  • Điều trị tăng huyết áp, suy tim sung huyết, suy thận cấp hay mãn, thiểu niệu, ngộ độc Barbituric.
  • Điều trị phù do tăng huyết áp.
  • Điều trị tăng calci huyết.

4.Cách dùng – Liều lượng của Furosemide

Cách dùng: Dạng viên và dung dịch uống thì được dùng bằng đường uống vào buổi sáng trước hoặc sau bữa ăn. Dạng thuốc tiêm thì có thể tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch khi cần bắt đầu tác dụng lợi tiểu nhanh hoặc khi bệnh nhân không thể uống được. Lưu ý, khi tiêm tĩnh mạch phải tiêm tốc độ chậm trong khoảng 1 – 2 phút.

Liều dùng:

Người lớn:

Liều khởi đầu 40mg/lần/ngày. Uống vào buổi sáng.

Liều duy trì với liều thấp nhất có hiệu quả, thường là 20mg/ngày hay 40mg uống cách ngày.

Khi cần có thể tăng liều lên 80-120mg/ngày và uống 1 liều duy nhất vào buổi sáng.

Trong suy thận mãn, liều khởi đầu là 240mg/ngày. Nếu không đáp ứng hiệu quả có thể tăng 240mg mỗi 6 giờ. Không được dùng liều vượt quá 2000mg/ngày.

Trẻ em:

Liều khởi đầu 0,5 – 2 mg/kg x 1 – 2 lần/ngày, sau đó có thể tăng lên đến 6 mg/kg/ngày khi cần thiết.

Tóm lại, tuỳ thuộc vào tình trạng, mức độ diễn tiến của bệnh, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về liều dùng, cách dùng và thời gian điều trị để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tối ưu nhất.

Cách dùng và liều lượng của Furosemide

5.Cách xử lý nếu quên liều thuốc Furosemide

Nếu người bệnh quên một liều Furosemide nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Không dùng liều gấp đôi. Nếu gần đến giờ uống của liều thuốc tiếp theo, chỉ cần dùng liều thuốc tiếp theo vào đúng giờ đã lên kế hoạch.

6.Cách xử lý khi dùng quá liều thuốc Furosemide

Người bệnh dùng quá liều Furosemide thường có triệu chứng lâm sàng như mất nước, giảm thể tích máu, tụt huyết áp, mất cân bằng điện giải, hạ kali huyết, nhiễm kiềm giảm clor.

Xử lý khi quá liều: Nếu người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào do dùng thuốc quá liều, phải ngừng thuốc và đưa đến cơ sở y tế để theo dõi và điều trị triệu chứng. Loại thuốc ra khỏi đường hoá bằng biện pháp thích hợp. Đồng thời theo dõi chặc chẻ các chất điện giải trong huyết thanh, mức carbon dioxide và huyết áp. Bù lại lượng nước và điện giải đã mất.

7.Những lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Furosemide

Thuốc Furosemide không được dùng cho những trương hợp sau:

  1. Người có tiền sử mẫn cảm với Furosemide hoặc các dẫn chất sulfonamide hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
  2. Người giảm thể tích máu, mất nước, hạ kali huyết nặng, hạ natri huyết nặng.
  3. Người đang tình trạng tiền hôn mê gan, hôn mê gan kèm xơ gan, suy gan nặng.
  4. Người vô niệu hoặc suy thận do các thuốc gây độc đối với thận hoặc gan.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Furosemide cho những trường hợp sau:

  • Thận trọng khi dùng Furosemide ở người bệnh gout, bệnh đái tháo đường, suy thận, suy gan. Cần theo dõi các chất điện giải kali và natri, tình trạng hạ huyết áp,
  • Thận trọng khi dùng Furosemide ở người già, cần giảm liều để giảm nguy cơ độc với thính giác.
  • Thận trọng khi dùng Furosemide ở người bệnh suy giảm chức năng thận nghiêm trọng hoặc ở bệnh nhân đang dùng các thuốc độc với tai khác như aminoglycoside. Vì thuốc gây nguy cơ ù tai, suy giảm thính lực có thể đảo ngược hoặc vĩnh viễn tăng lên sau khi dùng IV hoặc IM, đặc biệt ở liều cao, sau khi dùng quá nhanh.
  • Thận trọng khi dùng Furosemide ở trẻ sơ sinh thiếu tháng, phải theo dõi cẩn thận cân bằng nước và điện giải.  Furosemide có thể có nguy cơ bị bệnh động mạch.
  • Thận trọng khi dùng Furosemide ở trẻ em bị vàng da, vì Furosemide chiếm chỗ của bilirubin tại vị trí gắn albumin.
  • Thận trọng khi dùng Furosemide ở trẻ sơ sinh,  vì độ thanh thải của Furosemide ở trẻ sơ sinh chậm hơn nhiều so với người lớn, thời gian bán thải trong huyết tương dài gấp 8 lần, cần hiệu chỉnh liều khi dùng liều nhắc lại.
  • Thận trọng khi dùng Furosemide đường tiêm truyền tĩnh mạch, tốc độ truyền tĩnh mạch không quá 4 mg/phút, chậm hơn ở bệnh nhân suy thận, hội chứng gan thận hoặc suy gan.
  • Thận trọng khi dùng Furosemide ở người bệnh phì đại tuyến tiền liệt hoặc tiểu khó vì thuốc có thể thúc đẩy bí tiểu cấp.
  • Thận trọng khi dùng Furosemide ở người bệnh suy giảm chức năng tuyến cận giáp, vì Furosemide có thể gây co cứng cơ (tetani) do giảm calci huyết.
  • Lưu ý với phụ nữ có thai, Furosemide làm ảnh hương đến thai do làm giảm thể tích máu của mẹ, có thể gây sảy thai, gây chết thai và thận ứ nước ở thai . Khuyến cáo không sử dụng Furosemide trong thời kỳ mang thai.
  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú, Dùng Furosemide trong thời kỳ cho con bú có nguy cơ ức chế bài tiết sữa. Khuyến cáo không dùng thuốc Furosemide ở người mẹ đang cho con bú.
  • Cần thận trọng với người đang lái xe và vận hành máy móc, vì thuốc Furosemide có thể gây ra tác dụng không mong muốn như đau đầu, chóng mặt, giảm sự tỉnh táo.

8.Thuốc Furosemide gây ra tác dụng phụ nào

  1. Thường gặp: mất cân bằng nước và điện giải bao gồm giảm kali huyết, giảm natri huyết, giảm magnesi huyết, giảm calci huyết, nhiễm kiềm, giảm clor huyết, hạ huyết áp thế đứng, giảm thể tích máu khi dùng liều cao.
  2. Ít gặp: Buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hoá, tăng acid uric huyết, bệnh gout.
  3. Hiếm gặp: Viêm mạch, viêm thận kẽ, sốt, úc chế tủy xương, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu, tăng glucose huyết, glucose niệu, viêm tụy và vàng da ứ mật, ù tai, giảm thính lực, điếc có thể không hồi phục khi dùng thuốc đường tiêm với liều cao, tốc độ nhanh.
  4. Không xác định tần suất: Mày đay, ban đỏ đa dạng, phát ban trên da, ban xuất huyết, viêm da tróc vảy, ngứa, phản ứng dị ứng, viêm da, tổn thương bóng nước, hội chứng Steven-Johnson, mụn mủ ngoại ban tổng quát cấp tính (AGEP). Bệnh hôn mê gan ở người bệnh suy tế bào gan.

Trong quá trình điều trị bằng thuốc Furosemide, người bệnh có bất kỳ triệu chứng bất thường nào nghi ngờ do sử dụng thuốc Furosemide, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ tư vấn để xử trí kịp thời.

Thuốc Furosemide gây ra tác dụng phụ buồn nôn

9.Furosemide tương tác với các thuốc nào

  • Thuốc lợi tiểu khác: Làm tăng tác dụng của Furosemide khi được dùng chung.
  • Thuốc lợi tiểu giữ kali: Làm giảm thải kali khi dùng Furosemide với mục đích thải kali.
  • Thuốc hạ huyết áp: Làm tăng tác dụng hạ huyết áp khi dùng chung với Furosemide. Nếu cần thiết phối hợp phải điều chỉnh liều, đặc biệt khi phối hợp với thuốc ức chế enzyme chuyển angiotensin, làm huyết áp giảm quá mức.
  • Thuốc chống động kinh như Phenytoin, Carbamazepin: Phenytoin làm giảm tác dụng của Furosemide, Carbamazepin làm giảm natri huyết khi dùng chung với Furosemide.
  • Lithi: Làm tăng nồng độ Lithi trong máu, có thể gây độc khi dùng chung với Furosemide.
  • Glycoside tim: Do Furosemide làm hạ kali huyết, dẫn đến làm tăng độc tính của Glycoside trên tim khi được dùng chung.
  • Thuốc chống viêm không steroid: Làm tăng nguy cơ độc với thận, giảm tác dụng lợi tiểu khi dùng chung với Furosemide.
  • Corticosteroid: Tăng nguy cơ giảm kali huyết, đối kháng với tác dụng lợi tiểu khi dùng chung với Furosemide.
  • Kháng sinh Cephalosporin: Làm tăng độc tính với thận khi dùng chung với Furosemide.
  • Kháng sinh Aminoglycoside: Làm tăng độc tính với tai và thận khi dùng chung với Furosemide.
  • Kháng sinh Vancomycin: Làm tăng độc tính trên tai khi dùng chung với Furosemide.
  • Thuốc hạ đường huyết: Khi dùng chung với Furosemide, làm giảm tác dụng hạ glucose huyết của thuốc hạ đường huyết.
  • Thuốc giãn cơ không khử cực: Làm tăng tác dụng giãn cơ khi dùng chung với Furosemide.
  • Thuốc chống đông: Làm tăng tác dụng chống đồng khi dùng chung với Furosemide.
  • Cisplatin: Làm tăng độc tính với tai và thận khi dùng chung với Furosemide.
  • Cloral hydrate: Gây hội chứng đỏ bừng mặt, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, toát mồ hôi khi dùng chung với Furosemide.
  • Probenecid: Làm giảm thanh thải qua thận của Furosemide và giảm tác dụng lợi tiểu của Furosemide khi được dùng chung.
  • Thuốc ức chế thần kinh trung ương như diazepam, clonazepam, clopromazin, halothan, ketamin: Làm tăng tác dụng giảm huyết áp của Furosemide khi được dùng chung.
  • Cam thảo: Thuốc dược liệu chứa cam thảo hoặc thực phẩm chứa cam thảo, sử dụng quá nhiều khi đang dùng Furosemide có thể làm tăng nguy cơ hạ kali máu.

Tóm lại, tương tác thuốc có thể làm thay đổi hiệu quả điều trị của thuốc hoặc làm tăng tác dụng phụ độc tính nặng hơn. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và thông báo những loại thuốc đang dùng có nguy cơ để sử dụng thuốc hợp lý và đạt hiệu quả.

10.Bảo quản Furosemide như thế nào

Ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ Cao đẳng Dược Furosemide được bảo quản thuốc theo hướng dẫn khuyến cáo của nhà sản xuất. Nhiệt độ bảo quản dưới 30°C, tránh ẩm, tránh tiếp xúc trực tiếp ánh sáng mặt trời để đảm bảo giữ chất lượng thuốc.

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM

Tài liệu tham khảo:

  1. Drugs.com: https://www.drugs.com/furosemide.html
  2. Medicines.org.uk: https://www.medicines.org.uk/emc/product/12129

Xem thêm: duocsi.edu.vn