Search
Thứ Bảy 27 Tháng Bảy 2024
  • :
  • :

Loài cá đặc sản đất Quảng Nam, bổ dưỡng, giúp sáng mắt

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:

Loài cá sống dọc các khe suối, sông ở vùng cao từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Định. Đó là cá Niên, loài cá không xa lạ mấy với người dân miền Trung. Nhưng đặc biệt cá niên ở vùng Quảng Nam, chúng có mặt ở các sông suối trên địa bàn các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Nam Giang, Tây Giang… và thường ăn cùng với rau dớn rừng ngon, giòn mang hương vị rất đặc trưng của vùng rừng núi.

Cá niên vùng sông Tranh Trà My – Quảng Nam

Hãy cùng Dược sĩ trường Cao đẳng y dược Pasteur khám phá về loài cá này qua bài viết sau nhé!.

1.Cá niên gần gũi đối với người dân miền Trung – Tây nguyên.

Cá có hình dáng hao hao giống cá diếc nhưng thân mình thon thả hơn, khi trưởng thành có thể to bằng 3 ngón tay người lớn ghép lại, dài cở một gang tay. Loài cá niên này có màu ánh bạc và phần vây cá có pha chút màu vàng nhạt óng ánh, vi đỏ quanh mồm mọc nhiều hạt trắng tròn.

Theo sinh viên Cao đẳng Y Dược Pasteur: Cá niên có tập tính sống thành bầy đàn ở những vùng nước chảy xiết, trong những ghềnh đá, nước thác, nhất là các con thác có bọt nước tung trắng xóa. Nói không điêu thì cá niên là một loại cá đặc biệt vì chúng luôn bơi ngược dòng nước nên xương rất cứng, cá ngon và rất béo.

Thịt cá trắng thơm, không có mùi tanh, chứa nhiều chất dinh dưỡng, có nhiều xương hom, ruột cá rất đắng. Vì loài cá này chỉ ăn rêu, rong tảo và con bọ bám trên gờ đá nên ruột không độc, là phần được nhiều người ưa chuộng nhất.

Cá niên thường xuất hiện nhiều nhất vào mùa hè và mùa xuân. Để săn bắt được cá không phải chuyện đơn giản. Cá bơi rất nhanh, rất khó đánh bắt, người câu cá, đánh bắt phải có kinh nghiệm; hoặc dùng lưới bủa vây kín mặt suối thì mới mong bắt được chúng

Ở Quảng Nam, những nơi có nhiều và món ngon từ cá niên sống trên sông Tranh, chạy dọc theo tỉnh lộ ĐT616 qua các huyện Nam và Bắc Trà My.

Người dân tộc Cor địa phương nơi đây gọi cá niên là Jia-liếc, do cá niên khá giống với cá diếc, nhưng mình dài và tròn hơn, có con dài khoảng 30 cm.

Trên sông Tranh, loài cá này thường ở những đoạn sông hẹp, ghềnh đá hoặc các con suối nước chảy xiết.  Chúng chỉ ăn rêu và con hà bám trên gờ đá. Món cá niên ngon ,bổ dưỡng và chế biến cũng khá đơn giản.

Trước đây, theo người dân địa phương, cá niên là món ăn rất dân dã thường có trong bữa cơm của người đồng bào nơi đây. Nhưng hiện nay, cá niên đã trở thành món ăn đặc sản và được nhiều người “săn” lùng nên xuất hiện trong các quán ăn, nhà hàng nơi phố thị.

Để tìm hiểu về loài cá đặc biệt này, tôi được anh bạn người bản địa ở huyện Bắc Trà My kể và cho thưởng thức món “cá niên”  tuyệt ngon đúng như lời đồn.

Theo bạn tôi kể, cá niên là loài cá rất đặc biệt chỉ ở nơi nào suối đầu nguồn chảy xiết, bọt tung trắng xóa là nơi chúng quần tụ, sinh con đẻ cái. Mùa sinh sản của chúng thường những tháng cuối mùa đông – đầu mùa xuân, cá mẹ vượt thác đẻ trứng. Trứng cá bám vào những tảng đá nhám, nở ra cá con, sau đó chúng nó men theo dòng nước “di cư” về các sông, suối nơi thượng nguồn sông Tranh để sinh sống và thành món ăn đặc sản.

Cá niên có thân dẹt, con lớn dài chừng 20cm và to chừng 2 – 3 ngón tay người lớn. Chúng cũng dễ nhận biết vì có những vi đỏ mọc quanh miệng, thân cá màu trắng bạc, lưng xanh.

Đặc biệt, chúng sống ở thượng nguồn sông, suối hay chân thác, chỉ ăn rong tảo nên thịt thơm, ngon, sạch và bổ dưỡng. Cá niên thường xuất hiện nhiều vào mùa khô khoảng tháng 6 dương lịch.

Nơi có nhiều cá niên quần tụ, sinh sản ở ghềnh thác, đá.

2.Các món ăn đặc sẳn từ cách chế biến cá niên:

Cá niên được chế biến nhiều món như chiên giòn, kho với nghệ tươi để ăn cơm… nhưng hấp dẫn nhất và không cần phải chế biến là cá niên nướng, hấp, luộc…

Sau đây là những món ăn đặc sản thường được chế biến từ cá niên:

1.Món Cá niên nướng:

Món cá niên nướng dễ chế biến ai cũng làm được vì chẳng cần ướp gia vị. Cá mới đánh bắt được hoặc mua về còn tươi rói, không cần đánh vảy, chỉ rửa qua nước sạch, sau đó dùng thanh tre nhỏ nhọn xiên dọc thân cá, hoặc nướng trên bếp than hồng qua vĩ nướng.

Khi nướng “đầu bếp” phải chịu khó luôn trở đều tay để cá chín đều từ trong ra bên ngoài mà vẫn giữ được lớp vảy giòn. màu vàng, Cá niên khi nướng chín dậy mùi thơm phức, chỉ ngửi thôi cũng đã thâý thèm… Đồ chấm chỉ cần chén muối hạt giã với ớt xiêm rừng, gừng, tỏi, chanh là đủ.

Ăn cá niên nướng “cầu kỳ” nhất là… dùng tay gỡ thịt cá hay cầm nguyên con chấm muối ớt pha với tiêu rừng mà cắn nhai ngấu nghiến, hít hà bởi vị ớt cay nồng.

Khi ăn cá bạn mới có thể cảm nhận được vị thơm, ngọt, bùi, béo, dai của thịt cá, đặc biệt là một chút vị đắng nhẫn của ruột cá mới thú vị và rất tốt cho sức khỏe đời sống.

Tuyệt vời nhất là khi ngồi cùng với đám bạn bè thân hữu ngay bên bờ suối để thưởng thức món cá niên là tuyệt cú mèo”, anh bạn tôi kể.

Món cá niên nướng “đặc sản ẩm thực” ở vùng cao Trà My (Quảng Nam)

2.Cá niên luộc:

Cá niên rửa sạch qua nước, cho vào nồi, đổ nước vừa ngập mình cá rồi bắc đun trên lửa. Khi nước sôi, hãy để lửa nhỏ khoảng 10 phút thì cho thêm vài cọng hành vào, nêm nếm ít mì chính rồi sắp cá niên ra đĩa, rắc lên mình cá ít tiêu.

3.Cá niên hấp

Cá niên hấp ăn lúc còn nóng, chấm với muối giã ớt xanh vắt thêm chanh, kẹp với rau răm, húng, quế… đưa vào miệng nhẩn nha nhai, vừa để tránh hóc, mắc xương (vì cá niên có nhiều xương hom), vừa thưởng thức thịt cá ngọt thơm.

4.Ruột cá niên

Dù có gọi món cá niên hấp, cá niên nướng, gỏi cá niên, cá niên nấu cháo, cá niên kho nghệ, kho mặn… nhưng quí thực khách cũng sẽ luôn được chủ quán “tiếp thị” món…ruột cá niên!

Món ăn từ ruột cá niên được chế biến như sau: Ruột cá niên sau khi mổ ra, rửa sạch cho vào chén, có thể cho thêm vài lòng đỏ trứng gà vào khuấy trộn đều rồi đem chưng cách thủy cho chín.

Sau khi hỗn hợp ruột cá niên và trứng gà đó chín, thì rắc lên ít tiêu núi rồi ăn nóng.

Do loài cá niên này chỉ ăn rêu trên đá và sống trong môi trường trong sạch, không bị ô nhiễm nên nhiều người tin rằng ăn bộ ruột cá niên sẽ rất bổ dưỡng,giúp sáng mắt và rất có lợi cho đường tiêu hóa.

Hầu hết các quán ăn, nhậu trên đường ĐT616 qua huyện Bắc Trà My đều có món đặc sản cá niên sông Tranh này.

Những ngày lễ, ngày Tết hay mỗi khi có khách quý, người dân các huyện miền núi ở Quảng Nam thường chọn cá niên làm món đãi khách. Họ thường đãi khách món cá niên nướng và khách thì chẳng thể nào bỏ qua món ruột cá niên, bởi khi ăn vào có vị đắng nhân nhẫn rất lạ miệng.

Món ăn này có hương vị rất lạ, nếu ai chưa quen ăn thì thấy đăng đắng nhưng hậu lại thấy ngòn ngọt. Múc một muỗng nhỏ cho vào miệng rồi “đưa cay” một hớp rượu gạo, sẽ nghe chất đắng trong mật cá tan dần, tan dần, tan dần…

Là đặc sản sông Tranh nên cá niên dần hiếm, thường theo thương lái xuôi về phố thị bán cho các hàng quán, nhưng cá không còn tươi rói và giữ được hương vị của núi rừng.

Trước đây, cá niên là món ăn rất dân dã, thường có trong bữa cơm của đồng bào ở gần sông, suối thuộc các huyện miền núi ở tỉnh Quảng Nam và các huyện miền núi ở vùng miền Trung – Tây nguyên. Ngày nay, nhờ sự thơm ngon tuyệt vời, cá niên trở thành món ăn đặc sản được nhiều người săn tìm và xuất hiện trong các nhà hàng, quán ăn nơi phố thị.

Do đó, thưởng thức cá niên phải thưởng thức ngay tại chỗ, ở những quán nhậu che bạt sơ sài bên các cầu treo bắc qua dòng sông Tranh nhấp nhô sau những vách đá nhưng không kém thơ mộng.

Theo sinh viên Cao đẳng Y Dược Pasteur Hà Nội: Một nhà thơ xứ núi nào đó (không rõ tên), lúc ngồi lai rai tại một quán nhậu bình dân tên “Quán Gió” cùng vài người bạn với món cá niên “đặc hữu” của sông Tranh – Trà My- Quảng Nam., đã tức cảnh mấy câu:

“Quán Gió bên cầu sóng lặng yên

    Đón chào du khách cảnh hòa hiền.

Dừng chân ghế đá, bầu tâm sự,

 Đặc sản Trà My: món cá niên!”.

Hiện nay việc khai thác quá mức, cộng với cách thức khai thác tận diệt của người như dùng điện chích nên lượng cá trên sông, suối nay đã sụt giảm đi nhiều. Vì vậy, những món ngon được chế biến từ cá niên theo đó cũng dẫn hiếm hoi mới được thưởng thức và ngày càng càng hiếm hơn ./.

Ds.CKI. Nguyễn Quốc Trung

Xem thêm: duocsi.edu.vn