Cyproheptadin có tác dụng kích thích cảm giác đói, sự thèm ăn nếu dùng vào ban ngày và gây buồn ngủ khi dùng về đêm; tuy nhiên công dụng chính lại là trị dị ứng. Dược sĩ cảnh báo không phải ai dùng cũng được
- Dược sĩ cảnh báo 9 sai lầm thường gặp khi dùng thuốc giảm đau
- 2 Trường hợp biến chứng hy hữu của một thuốc kháng sinh
- Dược sĩ cảnh báo sỏi thận với vitamin C
Rất cần lưu ý các đặc điểm chống chỉ định của loại thuốc dễ làm tăng cân này; đặc biệt với những đối tượng chán ăn như phụ nữ có thai và người cao tuổi.
Cyproheptadin (trước đây có biệt dược Periactin, Périactine, Peritol, nay có Ciplactin, Ciprodin) là thuốc kháng histamin ở thụ thể H1. Ở người bị dị ứng, có sự phóng thích histamin tự do gắn vào các thụ thể H1 nằm ở da, hệ hô hấp, mắt… gây các biểu hiện dị ứng như nổi mề đay, ngứa, sổ mũi, co thắt phế quản, viêm kết mạc mắt… Vì vậy, chỉ định chính của cyproheptadin là trị, cải thiện các biểu hiện dị ứng nói trên.
Bên cạnh đó, cyproheptadin còn có tác dụng kích thích sự thèm ăn do có tính chất kháng serotonin. Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến cảm giác no, đói; nếu chất sinh học này bị cyproheptadin đối kháng, người dùng thuốc sẽ có cảm giác đói, muốn ăn. Vì vậy, từ khá lâu, cyproheptadin được dùng trị chứng chán ăn nhiều hơn là dùng trị dị ứng.
Hơn nữa, như nhiều thuốc kháng histamin cổ điển, cyproheptadin có tác dụng phụ là gây buồn ngủ. Cho nên, một số người kém ăn lại thêm khó ngủ thường chuộng sử dụng cyproheptadin; uống vào ban đêm để dễ ngủ và uống vào ban ngày để cảm thấy thèm ăn, ăn uống được nhiều hơn.
Cẩn thận khi dùng cyproheptadin
– Thuốc không được dùng cho phụ nữ có thai (do ảnh hường đến thai), phụ nữ đang cho con bú (vì thuốc ức chế sự tiết sữa, dùng thuốc có thèm ăn, ăn thêm nhiều nhưng lại mất sữa). Cyproheptadin cũng không được chỉ định dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi vì có tác dụng kháng tiết cholin gây khô miệng, táo bón, nhìn mờ, khó tiểu tiện, lại ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương gây tình trạng ngầy ngật trong thời gian dài. Người cao tuổi cũng cần đặc biệt thận trọng, tốt nhất là nên tránh dùng Cyproheptadin.
– Tác dụng gây thèm ăn của cyproheptadin chỉ xuất hiện trong thời gian dùng thuốc; khi ngừng uống có thể bị tác dụng ngược lại là ăn mất ngon như trước và bị sụt cân trở lại. Chứng chán ăn do nhiều nguyên nhân gây ra (như bệnh lao phổi, bệnh ở đường tiêu hóa, rối loạn tâm thần…). Đặc biệt, có thể do nguyên nhân tâm lý (có trẻ không chịu ăn chỉ vì muốn bố mẹ quan tâm, chú ý đến mình nhiều hơn). Vì vậy, cần phải xác định đúng nguyên nhân để chữa trị.
– Theo thông tin nước ngoài, hiện nay ở một số nước, cyproheptadin không còn được khuyến khích dùng như thuốc kích thích sự thèm ăn, có nước còn cấm dùng. Cypro-heptadin chỉ còn được duy trì sử dụng với tác dụng kháng histamin mà thôi.
Theo ykhoa.net