Thuốc acetylcystein và chlorpheniramin là 2 loại thuốc kháng nhau, có tác dụng trái ngược nhau. Dược sĩ cảnh báo những tác hại có thể gây ra
- Thời điểm nào uống thuốc đạt hiệu quả cao nhất?
- Dược sĩ hướng dẫn sử dụng thuốc Amoxicillin
- Dược sĩ tư vấn nguyên nhân và triệu chứng bệnh đau ruột thừa trẻ em
Mẹ tôi 67 tuổi bị viêm phổi cấp, ho nhiều và tức ngực nên ban đêm bị mất ngủ. Tôi ra hiệu thuốc, cô bán thuốc bán cho tôi thuốc chlorpheniramin và nói là bà uống vào sẽ bớt ho và ngủ được. Mẹ tôi cũng đang dùng thuốc acetylcystein theo kê đơn. Hai loại thuốc này uống cùng lúc có được không, thưa bác sĩ?
Dược sĩ tư vấn trả lời bạn như sau:
Trong đơn thuốc điều trị viêm phổi cho người cao tuổi, bác sĩ thường phải dùng nhiều loại thuốc phối hợp. Do viêm phổi thường gây ho. Acetylcystein là thuốc có tác dụng làm giảm độ quánh của đờm và tạo thuận lợi để tống đờm ra ngoài khi ho khạc. Chứng ho làm người bệnh rất mệt và mất ngủ, nhưng đây lại là phản xạ tốt sau khi dùng acetylcystein vì đờm bị thuốc làm loãng ra sẽ được các cơn ho đánh bật ra khỏi cơ quan hô hấp.
Nếu không ho hoặc giảm khả năng ho thì đờm loãng ứ trong phế quản sẽ cản trở hô hấp, nhiều trường hợp phải áp dụng biện pháp để hút đờm ra. Vì vậy, người bệnh viêm phổi đừng vội vàng dùng thuốc để giảm ho ngay, vì trong trường hợp này, ho giúp làm sạch đường hô hấp nhanh hơn.
Trở lại với vấn đề bạn hỏi có uống chlorpheniramin cùng lúc với acetylcystein được không? Tôi xin trả lời ngay rằng là không được vì tác dụng của hai loại thuốc này đối kháng nhau, sẽ gây bất lợi cho người bệnh, thậm chí là nguy hiểm, nhất là với người cao tuổi. Chlorpheniramin là loại thuốc kháng histamin, chống dị ứng, đồng thời cũng được phối hợp với các thành phần khác trong viên thuốc trị triệu chứng ho và cảm lạnh. Thế nhưng trong thời gian điều trị bằng acetylcystein, người bệnh không được dùng đồng thời các thuốc giảm ho hoặc bất cứ thuốc nào làm giảm bài tiết phế quản.
Vì dùng thuốc như vậy sẽ công nhau và giảm tác dụng của nhau. Trong khi acetylcystein đang cần ho và bài tiết phế quản thì chlorpheniramin lại làm tác dụng ngược lại, như vậy sẽ không mang lại hiệu quả điều trị. Thậm chí lượng đờm đọng lại trong các phế nang sẽ ảnh hưởng hô hấp và diễn tiến của quá trình điều trị bệnh viêm phổi. Đặc biệt, chlorpheniramin là loại thuốc cần thận trọng khi cân nhắc dùng cho người trên 60 tuổi, đề phòng nguy cơ suy giảm hô hấp.
Hơn nữa, ngay cả việc bạn mua thuốc cho mẹ theo lời cô bán thuốc đã là điều không nên, vì thông thường người đứng bán thuốc không có trình độ và quyền kê thuốc cho người bệnh được. Để điều trị chứng mất ngủ, bạn nên cho mẹ đi khám lại và đưa đơn thuốc đang dùng cho bác sĩ biết để có chỉ định chính xác, không nên dùng thuốc tùy tiện. Chứng mất ngủ cũng có thể do bị ho trong viêm phổi, cũng có thể do phản ứng của thuốc hay yếu tố nào đó. Khi thăm khám bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị phù hợp.