Search
Thứ Hai 7 Tháng Mười 2024
  • :
  • :

Dược sĩ chia sẻ về các nhóm thuốc kháng sinh dùng với những bệnh thường gặp

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (No Ratings Yet)
Loading...
Chia sẻ:

Việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh ngày nay rất phổ biến, tuy nhiên không phải ai cũng biết và sử dụng thuốc kháng sinh hiệu quả. Vậy nên sử dụng thuốc kháng sinh nào với những bệnh thường gặp?

Hãy theo dõi bài viết dưới đây để được các bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn chia sẻ đến bạn cách sử dụng thuốc kháng sinh với từng loại bệnh hiệu quả nhất!

Bệnh viêm tai giữa sử dụng thuốc kháng sinh nào?

Nguyên nhân gây bệnh: Thuờng do các biến chứng của các bệnh viêm nhiễm cấp tính mũi họng như viêm VA, Viêm xoang, viêm mũi, do các chủng vi khuẩn S.pneumonia, H.influenza, S.aurius hoặc viêm nhiễm do môi truờng nước không hợp vệ sinh, sau các tổn thương gây thủng màng nhĩ. Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng viêm tai giữa thay đổi theo từng nguyên nhân gây bệnh.

Thể điển hình là viêm tai giữa cấp tính có mủ ở trẻ em diễn biến qua 2 giai đoạn: khởi phát chưa có mủ trong hòm nhĩ và giai đoạn toàn phát

Khởi phát chưa có mủ trong hòm nhĩ:

  • Toàn thân: Bệnh nhân trước đó mấy ngày bị viêm đường hô hấp trên, đột ngột sốt cao 39-40 độ
  • Cơ năng: Đau tai, lúc đầu ngứa tức ở tai, sau đó đau tai dữ dội nghe kém
  • Thực thể: khám màng nhĩ bị sung đỏ

Giai đoạn toàn phát thường qua hai thời kì: Ứ mủ (màng nhĩ chưa rách) + thời kì vỡ mủ (màng nhĩ bị rách)

  • Thời kì ứ mủ: sốt cao 39-40 độ, thể trạng mệt mỏi; rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy phân sống, nôn trớ…, thuốc rối loạn tiêu hóa ít có kết quả, chỉ khỏi khi giải quyết nguyên nhân viêm tai giữa); đau tai (đau tai dữ dội ngày càng tăng, đau sâu trong tai, đau theo nhịp đập, em bé quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú, trẻ nhỏ vật vã, tay ngoáy vào tai đau, lắc đầu); khám màng nhĩ (toàn bộ màng nhĩ sưng đỏ); khám mũi họng (bệnh nhân đang có viêm mũi họng cấp tính)
  • Thời kì vỡ mủ: Các triệu chứng giảm dần, hết đau tai, nhiệt độ toàn thân giảm, em bé chịu chơi, hết quấy khóc. Thăm khám thấy ống tai đầy mủ, màng nhĩ bị rách.

Theo Dược sĩ Cao đẳng Dược Sài Gòn các loại kháng sinh điều trị điển hình:

  • Nhóm Penicillin: Kháng sinh phổ rộng nhạy cảm với Steptococcus Pneumonia, Haemophylus Influenza…
  • Amoxicillin: Liều dùng là 40mg/kg/ngày, chia 2 lần, kéo dài trong 7-10 ngày
  • Amoxicillin + Clavulanic, biệt dược Augmentin uống hoặc tiêm: Người lớn 1g x 2 lần/ ngày. Trẻ em dưới 12 tuổi 25-50 mg/kg/ngày. Không nên dùng quá 14 ngày
  • Nhóm Cephalosporin: Trường hợp bệnh nhân dị ứng với penicillin, dùng Cephalosporin thế hệ 2 hoặc thế hệ 3. Cephalosporin thế hệ 2: Cefuroxim 250-500mg ngày 2 lần/ngày (Liều trẻ em: 20mg/kg/ngày), Cefaclor,… Cephalosporin thế hệ 3: Cefdinir 100mg x 2 lần/ ngày (Liều trẻ em: 10mg/kg/ngày), Cefpodoxim, Cefixim, …
  • Nhóm Macrolid: Azithomycin (Biệt dược Zitromax). Liều trẻ em: 200 mg/lần/ngày. Người lớn: 500mg/lần/ngày.
  • Clarithromycin: Liều trẻ em: 125 mg x 2 lần/ngày, liều người lớn 500 mg x 2 lần/ ngày
  • Clindamycin dạng viên uống: Người lớn 150-300mg/lần, 6 giờ/lần. Nhiễm khuẩn nặng 450 mg/lần, 6 giờ/ lần. Trẻ em 3-6 mg/kg/lần, 6/lần
  • Nhóm Quinolon: Levofloxacin 250-500 ( Biệt dược Tavanic), Moxifloxacin 400 mg( Avelox). Đây là 2 kháng sinh thường dùng để điều trị viêm xoang, viêm tai giữa vì có hiệu quả tốt. Tuy nhiên không nên dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi vì dễ gây viêm gót chân, ảnh hưởng sụn khớp.

Bệnh viêm phế quản do vi khuẩn sử dụng thuốc kháng sinh nào?

Các dấu hiệu chẩn đoán viêm phế quản: người bệnh khạc ra đờm mủ, đờm màu xanh/vàng. Bệnh diễn biến quá 10 ngày. Xét nghiệm thấy số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi tăng cao. Những trường hợp này cần dùng kháng sinh để điều trị. Khi đờm không cho phép xác định nguyên nhân nhiễm khuẩn hoặc thầy thuốc vẫn nghi ngờ căn nguyên nhiễm khuẩn, cần làm thêm các xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh

Các loại kháng sinh điều trị viêm phế quản do vi khuẩn:

  • Kháng sinh nhóm Macrolid, hoặc Doxycyclin: Nên chọn kháng sinh nhóm Macrolid, hoặc Doxycyclin cho những trường hợp viêm phế quản cấp ở người hoàn toàn khỏe mạnh trước đó.
  • Kháng sinh nhóm beta-lactam: Kháng sinh nhóm beta-lactam phối hợp với chất ức chế beta-lactamase hoặc nhóm quinolon nên là lựa chọn đầu tay trong điều trị các trường hợp viêm phế quản cấp có tiền sử dùng kháng sinh trong vòng 3 tháng gần đây, hoặc viêm phế quản cấp ở người cao tuổi có bệnh mạn tính kèm theo
  • Tetracyclin, Macrolid và Fluoroquinolon: Khi người bệnh có ho kéo dài và triệu chứng đường hô hấp trên điển hình thì có thể hướng tới chẩn đoán căn nguyên do vi khuẩn không điển hình (Mucoplasma pneumoniae, Chlamydophila pneumoniae). Cả hai tác nhân này đều nhạy cảm với Macrolid, Tetracyclin và Fluoroquinolon. Trong thực hành lâm sàng , các kháng sinh này thường được khuyến cáo điều trị theo kinh nghiệm khi có những vụ dịch bùng phát. Dưới đây là bảng tóm tắt lựa chọn kháng sinh điều trị viêm phế quản cấp do vi khuẩn.
  • Viêm phế quản cấp ở người hoàn toàn khỏe mạnh: Kháng sinh ưu tiên: Doxycyclin, Macrolid. Kháng sinh thay thế: Beta-lactam
  • Viêm phế quản cấp ở người đã dùng kháng sinh trong vòng 3 tháng (90 ngày) gần đây: Kháng sinh ưu tiên: Beta-lactam phối hợp với chất ức chế beta-lactamase. Kháng sinh thay thế: Macrolid, Doxycyclin
  • Viêm phế quản cấp ở người mắc bệnh mạn tính: Kháng sinh ưu tiên: Beta-lactam phối hợp với chất ức chế beta-lactamase, Quinolon. Kháng sinh thay thế: Macrolid, Doxycyclin

Bệnh viêm họng do vi khuẩn sử dụng thuốc kháng sinh nào?

Dấu hiệu nhận biết: Viêm họng do vi khuẩn chiếm khoảng 20% các nguyên nhân gây viêm họng.Khi bị viêm họng do vi khuẩn, người bệnh xuất hiện khô rát họng, nuốt nước miếng rất khó khăn, sốt đột ngột. Người bệnh có thể sốt 37°5 đến 40°C, hơi thở hôi. Khám họng bệnh nhân thấy niêm mạc họng đỏ, bề mặt có giả mạc trắng hoặc vàng bám, giả mạc dễ lấy và dễ tan trong nước. Người bệnh ho nhiều, đờm đặc quánh xanh hoặc vàng.

Kháng sinh nhóm beta-lactam là thuốc hữu hiệu. Kết quả của nhiều công trình nghiên cứu các chủng vi khuẩn gây viêm họng cho thấy nhóm kháng sinh beta-lactam vẫn là nhóm thuốc điều trị hiệu quả. Nhóm này bao gồm penicilin, cephalosporin và các beta-lactam khác.

Nhóm beta-lactam được sử dụng để điều trị các nhiễm khuẩn khác nhau. Chẳng hạn như viêm xoang, nhiễm trùng tai, viêm đường tiết niệu, nhiễm trùng da và viêm họng, …. Không sử dụng thuốc cho người dị ứng với bất kỳ thuốc nào thuộc nhóm beta-lactam hoặc nếu đã từng dùng thuốc nhưng men gan bị tăng trong thời gian sử dụng.

Cũng theo khuyến cáo từ bác sĩ Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn với những người bệnh có tiền sử các bệnh về gan, thận, hoặc tăng bạch cầu đơn nhân, người từng bị dị ứng với kháng sinh, phụ nữ mang thai, cho con bú, … phải thông báo với bác sĩ điều trị khi khám bệnh.

Bệnh viêm phổi sử dụng thuốc kháng sinh nào?

Viêm phổi do phế cầu (Streptococuss pneumoniae)

Diễn biến lâm sàng rất đặc trưng: bệnh thường xuất hiện sớm sau nhiễm phế cầu đường hô hấp trên với triệu chứng “cảm” nặng kéo dài khoảng 1 giờ. Ngay sau đó sốt cao 390 – 410C, thở nhanh, mạch nhanh, ho khan, đau ngực, buồn nôn, nôn.

Bệnh diễn biến cao điểm vào ngày thứ 2-3 với biểu hiện rất mệt, ho khạc đờm màu rỉ sắt do chảy máu trong phế nang, Herpes môi, thở nhanh nông, vã mồ hôi, cử động lồng ngực bên tổn thương giảm, rung thanh tăng, đôi khi sờ thấy cọ màng phổi, gõ đục khi vùng đông đặc rộng, rì rào phế nang giảm, ran nổ, thổi ống, tiếng ngực (pectoriloquy), cọ màng phổi.

Điều trị viêm phổi bằng kháng sinh: thường dùng theo kinh nghiệm, tiêm bắp thịt penicillin G 600.000 đơn vị/lần, ngày 2 lần (penicillin procain) hoặc 1 triệu đơn vị tiêm tĩnh mạch/lần, 4 giờ tiêm một lần. Những kháng sinh khác có hiệu quả cao với viêm phổi phế cầu: ampicillin, tetracillin, cephalosporin thế hệ ba như cefazolin. Có thể dùng nhóm macrolid, tetraxiclin, clindamycin.

Viêm phổi do tụ cầu( Staphylococcus)

Viêm phổi tụ cầu thường liên quan đến dịch cúm, sởi; hay gặp hơn ở người mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch (là nguyên nhân tử vong cao nhất do viêm phổi ở bệnh nhân đặt nội khí quản tại các khoa hồi sức tích cực).

Bệnh diễn biến cấp tính hoặc bán cấp tính. Triệu chứng lâm sàng phụ thuộc vào tuổi và sức khoẻ của bệnh nhân. Viêm phổi xảy ra rất nhanh sau khi người bệnh bị nhiễm tụ cầu đường hô hấp trên. Khi gặp biến chứng biến thì triệu chứng của cúm hoặc sởi thường nặng lên.

Triệu chứng phổ biến là sốt cao, mạch nhanh, thở nhanh, ho (ít gặp ho máu và đau ngực); khám thấy rì rào phế nang giảm và nhiều ổ ran nổ; có thể gặp suy hô hấp hoặc sốc nhiễm khuẩn. Tràn dịch màng phổi và mủ màng phổi là hai biến chứng hay gặp nhất, tràn mủ và tràn khí màng phổi ít gặp hơn. Tỷ lệ nhiễm trùng huyết khoảng 20%.

Viêm phổi tụ cầu là một bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao; điều trị phải đòi hỏi phải hồi sức tích cực và dùng kháng sinh đúng.

Ngày nay tụ cầu thường kháng với penicillin do tạo ra penicillinnase thông qua plasmid, cho nên kháng sinh lựa chọn là những penicillin kháng lại penicillinnase (nafxilin, oxacillin), cephalosporin (cefazoloin), vancomycin. Điều trị đặc hiệu tiến hành sau khi có kết quả kháng sinh đồ.

Cefazolin dùng 2-4g/ ngày, tiêm tĩnh mạch cách 12 giờ/lần; hoặc oxacillin tiêm tĩnh mạch 1,5-2g/lần, 4-6 giờ tiêm một lần. Thời gian dùng thường kéo dài khoảng 4 tuần. Nếu bệnh diễn biến tốt nhanh, có thể dùng thuốc viên dicloxacillin. Khi dị ứng penicillin, thay bằng cephalosporin thế hệ thứ nhất. Nếu tiền sử có quá mẫn tức thì nên dùng vancomyxin. Gentamyxin dùng khi có nhiễm trùng huyết. Nhiều tài liệu khuyên chỉ dùng một loại kháng sinh, không phối hợp thuốc.

Phế quản phế viêm

Phế quản – phế viêm hay viêm phế quản – phổi là loại viêm phổi nặng. Nguyên nhân thường do liên cầu sinh mủ (Streptococcus pyogenes), bệnh thường xảy ra thành dịch trong các tập thể (ví dụ: doanh trại quân đội, nhà trẻ, mẫu giáo, trại dưỡng lão…) .

Bệnh cảnh thường gặp là viêm phế quản – phổi. Tuy nhiên bệnh cảnh này còn do các loại vi khuẩn khác gây ra (ví dụ: Hemophylus influenzae, tụ cầu…) .

Bệnh thường liên quan đến những vụ dịch do virus (cúm, sởi, thuỷ đậu), diễn biến nặng vì tiến triển nhanh với biểu hiện suy hô hấp cấp tính, tím tái. Đây là một cấp cứu nội khoa thường gặp .

Triệu chứng: Khởi phát đột ngột, sốt, triệu chứng “cảm” , tiếp theo đó là khó thở, suy hô hấp. Các triệu chứng khác: ho, đờm dính máu, đau ngực.

Khám thực thể thường có các hội chứng: Hội chứng nhiễm trùng cấp tính (sốt cao, môi khô, lưỡi bẩn); Hội chứng suy hô hấp cấp (khó thở nhanh nông, co rút cơ hô hấp phụ, tím tái, rối loạn ý thức); Hội chứng phế quản lan tỏa (ran rít, ran ngáy hoặc ran ẩm lan tỏa 2 phổi); Hội chứng đông đặc rải rác (ran nổ lan tỏa 2 phổi)

Biến chứng của bệnh thường là nhiễm trùng huyết, viêm mủ màng phổi, tử vong do viêm phổi liên cầu nhóm A

Điều trị kháng sinh: Dược sĩ cho biết liên cầu nhạy cảm với penicillin, nên điều trị chủ yếu bằng dùng penicillin G với liều 6-8 triệu UI/ngày, tiêm tĩnh mạch 4-6 giờ/lần .

Bệnh viêm đường tiết niệu sử dụng thuốc kháng sinh nào?

Bệnh do vi khuẩn gây ra. Sự viêm nhiễm không đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh nhưng có thể nó sẽ gây đau rát và khó chịu. Đặc biệt, khi vi khuẩn kháng lại các thuốc thông thường thì sẽ khó điều trị hơn. Phụ nữ thường gặp vấn đề viêm đường tiết niệu nhiều hơn nam giới. Bệnh viêm đường tiết niệu xảy ra ở trẻ gái nhiều hơn hẳn trẻ trai, tỷ lệ khoảng 5:1 và khoảng 20-40% phụ nữ từng bị viêm đường tiết niệu.

Bệnh có một số triệu chứng chung, giống nhau ở cả hai giới là: tiểu khó, tiểu dắt, tiểu buốt; đau ở bụng dưới và lưng, nóng rát ở vùng bụng dưới; đau lưng, ớn lạnh, buồn nôn và nôn, có thể sốt; nước tiểu có màu khác; bụng ậm ạch khó chịu

Đối với trẻ em, có ba dạng bệnh chủ yếu của viêm đường tiết niệu là viêm bàng quang, viêm thận và nhiễm khuẩn niệu. Nhiễm khuẩn niệu là thể bệnh nhẹ nhất, viêm thận là thể bệnh nặng nhất. Một trong những khó khăn ở trẻ em là chẩn đoán, vì bệnh này ở trẻ em không có triệu chứng đặc trưng mà chung chung như: đau bụng, sốt, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú. Những biểu hiện này xuất hiện trong rất nhiều bệnh khác. Vì thế mỗi khi thấy trẻ sốt cao, sờ bụng thấy trẻ khóc to hơn thì cần chú ý tới hai bệnh có thể gặp là bệnh đường tiêu hóa và bệnh viêm đường tiết niệu. Ở thể bệnh viêm bàng quang thì có một số biểu hiện rõ ràng hơn như trẻ tiểu khó, tiểu không liên tục, tiểu ngắt quãng và nước tiểu rất hôi.

Điều trị kháng sinh: Nếu không điều trị sớm, bệnh sẽ làm giảm chức năng của bàng quang hoặc thận ở cả nam giới và nữ giới. Nặng hơn, hệ tiết niệu có thể bị tổn thương vĩnh viễn. Cách điều trị đối với bệnh này là sử dụng kháng sinh. Cần phải chữa trị dứt điểm và vệ sinh đúng cách nếu không bệnh tái phát lại sẽ nặng hơn và khó điều trị.

Lưu ý sử dụng kháng sinh đúng và đủ liều. Đồng thời, cần điều trị theo phác đồ để tránh tình trạng vi khuẩn tái phát. Khi đó, người bệnh sẽ phải sử dụng kháng sinh liều cao hơn để điều trị, gây mệt mỏi cho cơ thể.

Bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới

Việc điều trị kháng sinh dựa trên kháng sinh đồ. Ngoài ra cần xem xét đến tình trạng bệnh, cơ địa người bệnh để chọn kháng sinh thích hợp, đường đưa kháng sinh vào cơ thể, liều lượng…

Các kháng sinh thường dùng:

  • Ampicillin: 2g/ngày ở người lớn; 50mg/kg/ngày ở trẻ em
  • Sulfamid (Bactrim forte): ở người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 4 – 8 viên/ngày
  • Quinolon: chỉ nên dùng cho người lớn, liều 400- 800mg/2 lần/ngày.
  • Nitrofuran: 150mg/ngày

Lưu ý, Kháng sinh thường dùng bằng đường uống, dùng trong vòng ít nhất 10 ngày. 48 giờ sau khi kết thúc đợt điều trị phải cấy nước tiểu kiểm tra. Người bệnh nên uống nhiều nước.

Bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên

Điều trị kháng sinh mạnh, kết hợp 2 loại kháng sinh. Các loại kháng sinh thường dùng: giống như ở nhiễm khuẩn tiết niệu duới + Gentamicin IM hay Gentamicin IV 3mg/kg/ngày chia 3 lần (chú ý chức năng thận)

Cách cho thuốc: Tuần đầu tiên: một kháng sinh thông thường bằng đường uống + Gentamicin IV hay Gentamicin IM.

Hai tuần tiếp theo: kháng sinh thông thường bằng đường uống Tổng thời gian điều trị kháng sinh là 3 tuần.

48 giờ và 15 ngày sau khi kết thúc liệu trình kháng sinh, xét nghiệm cấy nước tiểu kiểm tra.