Search
Thứ Bảy 27 Tháng Bảy 2024
  • :
  • :

Các phương pháp phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau gãy xương

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:

Sau khi điều trị gãy xương bằng phương pháp bó bột, mổ kết hợp xương hay một số phương pháp khác, người bệnh sẽ bị giảm khả năng vận động ở một mức độ nhất định.

Do đó, việc phục hồi chức năng sau gãy xương là hết sức quan trọng, giúp người bệnh hồi phục lại các chức năng vận động bình thường trở lại, đồng thời phòng tránh biến dạng xương và biến chứng nguy hiểm khác.Vậy quá trình điều trị gãy xương và các phương pháp phục hồi chức năng sau gãy xương như thế nào? Hãy cùng Giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Phục hồi chức năng sau gãy xương hạn chế các biến chứng nguy hiểm

1. Đại cương

1.1. Định nghĩa

Theo giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: Gãy xương là một loại tổn thương làm ảnh hưởng tới sự toàn vẹn của xương.

1.2. Nguyên nhân

  • Chấn thương: tai nạn lao động, giao thông, sinh hoạt, chiến tranh,…
  • Bệnh lý: loãng xương, viêm xương tuỷ, lao xương, ung thư xương,…
  • Bẩm sinh.

2. Triệu chứng

2.1. Triệu chứng chắc chắn

  • Biến dạng trục chi.
  • Có tiếng lạo xạo khi cọ xát 2 đầu xương gãy với nhau.
  • Cử động bất thường.

2.2. Triệu chứng không chắc chắn (nói chung các loại chấn thương):

  • Đau.
  • Sưng nề bầm tím.
  • Giảm hoặc mất cử động.

Theo tin tức không nhất thiết phải có cả 3 triệu chứng chắc chắn của gãy xương, mà chỉ cần 1 trong 3 triệu chứng trên là có thể kết luận.

3. Tiến triển của gãy xương

 Từ khi xương bị gãy đến lúc liền xương có 4 giai đoạn:

3.1. Giai đoạn tụ máu:

Ngay sau gãy xương tại ổ gãy, máu chảy ra tụ lại giữa hai đầu xương và các tổ chức xung quanh ổ máu tụ sẽ phát triển thành can liên kết.

3.2. Giai đoạn can liên kết:

Từ màng xương, ống Haivers, xương và tủy xương, các tế bào liên kết xâm nhập vào khối tụ máu tạo thành lưới tổ chức liên kết, dần thay thế khối máu tụ sau đó hình thành can liên kết.

3.3. Giai đoạn can nguyên phát:

Sau 3-4 tuần, muối vôi sẽ lắng đọng trên can liên kết và tạo thành can xương non.

3.4. Giai đoạn can vĩnh viễn:

Màng xương, ống xương được trở lại nguyên vẹn tạo thành can vĩnh viễn. Ổ gãy  liền tốt sau khoảng 8-10 tháng.

4. Các biến chứng muộn

  • Can xương lệch: Do việc nắn chỉnh không đúng trục, chưa đúng kỹ thuật, hoặc các di lệch thứ phát sau khi nắn chỉnh. Hậu quả là gây hạn chế vận động khớp và làm xấu về mặt thẩm mỹ.
  • Chậm liền xương: Là hiện tượng can xương vẫn chưa liền sau một thời gian đủ để liền (khoảng 3 tháng) và vùng xương gãy vẫn còn đau. Thường gặp ở người già hay do bất động đúng cách.
  • Khớp giả: Là hiện tượng khi hết thời gian quy định mà xương không liền, tại chỗ gãy người bệnh không còn đau nữa, đoạn gãy lủng lẳng. Thường do mất quá nhiều xương, do cơ xen kẽ vào giữa hai đầu xương gãy hoặc do 2 đầu xương gãy cách nhau quá xa,…
  • Bất động lâu ngày gây teo cơ, cưng khớp, co rút cơ,…

5. Xử trí:

5.1. Bó bột:

Đối với gãy xương kín đến sớm nên nắn chỉnh ngay, sau đó bó bột theo tư thế chức năng.

5.2. Kéo liên tục:

Dùng đinh Kirscher xuyên qua các đầu xương rồi dùng sức nặng để kéo liên tục. Trọng lượng kéo tùy theo xương.

5.3. Phẫu thuật:

Người ta có thể dùng phương pháp phẫu thuật để đièu trị gãy xương như kết hợp xương bằng kim loại (đóng định nội tủy, dùng nẹp vis, buộc vòng, xuyên kim…) hoặc ghép xương.

– Ưu điểm:

+ Có thể nắn xương đúng vị trí.

+ Bất động tương đối chắc chắn tránh được di lệch thứ phát.

+ Người bệnh có thể tập cử động sớm, tránh teo cơ, cứng khớp.

– Nhược điểm:

+ Nếu không đảm bảo vô khuẩn dễ bị nhiễm khuẩn gây viêm xương, chậm liền, khớp giả.


Bó bột là một trong những phương pháp điều trị gãy xương

6. Phục hồi chức năng

6.1. Giai đoạn bất động

6.1.1. Mục đích:

– Phòng ngừa các biến chứng như viêm phổi ứ đọng, lóet do đè ép, huyết khối,…

– Giảm đau.

– Duy trì tầm vận động các khớp tự do,…

– Tránh teo cơ, cứng khớp,…do bất động lâu ngày,…

6.2.2. Phương pháp phục hồi chức năng:

– Tư thế trị liệu: Kê cao chi để giảm sưng, phù nề,…

– Vận động trị liệu:

+ Thực hiện co cơ tĩnh (gồng cơ) đối với các vùng xương gãy phòng teo cơ, giảm phù nề, làm nhanh quá trình liền can,…

+ Thực hiện vận động chủ động các khớp hết biên độ (tầm) vận động đối với các khớp tự do không bị cố định.

– Giảm đau:

+ Điện trị liệu: các dòng điện xung, điện cao tần, điện phân,…

+ Nhiệt lạnh: Chườm lạnh, đấp đá,…

– Hoạt động trị liệu:

+ Phải tiến hành sớm, ngay khi còn cố định xương cho đến lúc phục hồi.

+ Tùy theo tổn thương cụ thể mà chọn phương pháp cụ thể như chơi thể thao, đan lát, làm gốm,…

6.2. Giai đoạn sau bất động

Ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ Cao đẳng Điều dưỡng cho biết: Sau bất động lâu ngày bệnh nhân thường có tình trạng hạn chế tầm vận động, đau khớp, teo cơ, do đó các hoạt động cần phải được thực hiện một cách thận trọng nhằm tránh gây thêm tổn thương cho các mô bị suy yếu (cơ, dây chằng và mô liên kết,…). Lúc đầu, bệnh nhân sẽ đau khi bắt đầu vận động, nhưng về sau mức độ đau sẽ giảm dần khi khớp cử động, các cơ mạnh dần lên và tầm hoạt động tăng dần.

6.2.1. Mục đích:

– Giảm đau, sưng nề,…

– Tăng tuần hoàn, tránh kết dính.

– Tăng tầm hoạt động của khớp.

– Tăng sức mạnh cơ.

– Phục hồi chức năng tối đa để bệnh nhân được nhanh chóng trở về cuộc sống và lao động bình thường.

6.2.2. Phương pháp phục hồi chức năng:

– Nhiệt nóng ẩm.

– Xoa bóp sâu.

– Vận động:

+ Kỹ thuật giữ nghỉ.

+ Tập chủ động trợ giúp.

+ Tập có sức kháng cản.

+ Hoạt động trị liệu.

+ Tập đi với dụng cụ trợ giúp (nạng, gậy, khung tập đi,…), luyện dáng đi.

Tập vận động phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau gãy xương

Trên đây là những nguyên tắc chung về các phương pháp phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau gãy xương. Theo Giảng viên Cao đẳng phục hồi chức năng, trong thực tế, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể mà chuyên gia sẽ chọn các loại bài tập phù hợp với tình trạng của bệnh nhân, với loại gãy xương và xương bị gãy.

XEM THÊMDUOCSI.EDU.VN