Khi con trẻ bị bệnh, cha mẹ chỉ mong sao cho con mình mau khỏe nên đã làm mọi cách có thể để giúp trẻ lành bệnh trong thời gian nhanh nhất, trong đó có cả việc “tự kê đơn và mua thuốc về cho trẻ uống”.
- Hiểu và sử dụng Paracetamol đúng cách để tránh hiểm họa tiềm ẩn?
- Nên lưu ý những gì khi sử dụng kháng sinh dùng cho trẻ em?
- Thuốc kháng sinh co-trimoxazol nên dùng như thế nào cho an toàn?
Những nguy hại từ việc Bố mẹ tự trở thành Dược sĩ
Những lý do khiến Bố mẹ tự kê “ đơn thuốc ” cho con
Việc cha mẹ tự tin khi làm bác sĩ cho con bằng hành động tự mua thuốc điều trị về cho trẻ uống mà chưa có ý kiến từ bác sĩ hiện nay cũng còn khá phổ biến. Việc phụ huynh tự ý kê đơn và mua thuốc về cho trẻ uống có thể do những lý do sau đây:
– Số bệnh nhi tăng cao tại các cơ sở khám chữa bệnh, trong khi số lượng bác sĩ Nhi khoa hoặc chuyên viên y tế nhiều nơi lại rất “thiếu” khiến cho phụ huynh rất ngại việc đưa trẻ đi khám bệnh.
– Nhiều gia đình kinh tế quá khó khăn không đủ khả năng chi trả những chi phí khám chữa bệnh cho trẻ, hơn nữa thời gian chờ đợi khám chữa bệnh khá lâu, thuốc men quá đắt đã khiến cho cha mẹ không mấy hào hứng trong việc đưa trẻ đi khám bác sĩ.
– Nhiều gia đình cư trú tại những vùng sâu, vùng xa nên việc tiếp cận với cơ sở y tế địa phương còn nhiều khó khăn và hạn chế. Do đó, cách tiện lợi nhất khi trẻ mắc bệnh là cha mẹ sẽ đến những điểm bán thuốc gần nhà mua về trị bệnh cho trẻ.
– Những kiến thức liên quan đến sức khỏe những phương pháp chữa trị và chăm sóc sức khỏe trẻ em ngày càng phổ biến và dễ tiếp cận thông qua phương tiện sách báo, hệ thống truyền thông đại chúng, mạng xã hội, khiến nhiều bậc phụ huynh rất tự tin khi làm “bác sĩ cho con” thông qua việc tự kê đơn và mua thuốc về điều trị cho trẻ.
Một số hình thức cha mẹ tự làm bác sĩ
Tự chẩn đoán bệnh cho trẻ:
Khi con trẻ bị bệnh, thay vì đưa trẻ đi khám để bác sĩ chẩn đoán và cho chỉ định thuốc để điều trị, một số phụ huynh đã tự ý chẩn đoán bệnh và mua thuốc về cho trẻ uống. Hiện tượng này được gọi là “tự ý dùng thuốc cho trẻ”.
Trong một số ít trường hợp, việc tự ý dùng thuốc cho trẻ không dẫn đến sự nguy hại nào, bởi vì trẻ chỉ bị rối loạn nhẹ, không có những tổn thương thực thể đáng kể. Tự ý cho trẻ dùng thuốc loại “thông thường, bán không cần toa”, đặc biệt dùng đúng hướng dẫn có thể giúp trẻ cải thiện hoặc giảm bớt các rối loạn nhẹ ở trẻ. Song việc tự ý dùng thuốc cho trẻ có thể trở thành “sự lạm dụng thuốc một cách tự ý” dẫn đến các tác hại khôn lường cho trẻ.
Cha mẹ sử dụng toa thuốc lần trước (toa cũ) của trẻ:
Cha mẹ cũng có thói quen sử dụng toa thuốc lần trước để mua thuốc cho trẻ khi trẻ bị bệnh tương tự vì cha mẹ nghĩ rằng lần trước bệnh giống giống lần này nên chỉ cần mua một toa thuốc “y chang lần trước” là trẻ có thể khỏi bệnh.
Việc cha mẹ có thói quen sử dụng toa thuốc cũ cho trẻ bởi vì các bậc phụ huynh nghĩ rằng con mình bị bệnh cũ tái phát. Nhưng nên lưu ý bệnh cũ có thể bị tái phát, tuy nhiên lần này bệnh có thể diễn tiến đến mức nặng hơn, hoặc triệu chứng bệnh có vẻ giống bệnh cũ nhưng lần này lại là một bệnh khác.
Cha mẹ tự ý điều chỉnh liều lượng thuốc do bác sĩ chỉ định:
Dù được bác sĩ kê đơn với liều lượng thuốc phù hợp để trị bệnh nhưng không ít phụ huynh lại cho trẻ dùng thuốc không đúng liều, tình huống thực tế có thể là cho trẻ dùng thuốc không đủ liều do tâm lý sợ thuốc gây hại cho trẻ cụ thể như thay vì cho trẻ dùng 3 – 4 lần/ngày, cha mẹ lại chỉ cho trẻ uống 1 – 2 lần/ngày.
Một số phụ huynh cho trẻ uống thuốc không đúng cách làm trẻ không nhận đủ lượng thuốc làm cho bệnh của trẻ không thể thuyên giảm như: pha thuốc vào bình sữa cho trẻ bú và trẻ không thể bú hết bình sữa nên không thể nhận đủ lượng thuốc.
Nhiều bậc cha mẹ vì “tâm lý nóng vội”, muốn trẻ thật mau hết bệnh nên vô tình đã dùng thuốc quá liều cho trẻ như: cho trẻ thuốc uống ít lần hơn trong ngày bằng cách dồn thuốc uống hai lần trong ngày thành uống một lần duy nhất, hay dùng dụng cụ đo lường thuốc không chính xác như dùng muỗng ăn ở nhà lường thể tích thuốc dạng xi rô cho trẻ thay vì dùng dụng cụ được cung cấp theo thuốc uống cho trẻ.
Bố mẹ có nên tự kê đơn cho con khi bị bệnh không?
Hậu quả trước mắt và nhưng hậu quả khôn lường
Theo trang Dược sĩ tư vấn, về mặt Y học thì phụ huynh cần nên biết một toa thuốc bác sĩ ghi sau khi khám và chẩn đoán bệnh chỉ dành riêng cho một cá nhân vào một thời điểm và chỉ có giá trị trong đợt bệnh đó. Chính vì lý do đó, nếu cha mẹ tự ý chẩn đoán rồi mua thuốc về điều trị bệnh cho trẻ hoặc sử dụng lại toa thuốc lần trước cho đợt bệnh này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ với những hậu quả như sau:
– Thuốc sử dụng không phù hợp với tình trạng bệnh của trẻ làm bệnh không thuyên giảm đôi khi diễn biến nặng hơn.
– Thuốc sử dụng không đúng liều lượng vì cân nặng của trẻ có thể thay đồi theo thời gian nên việc điều trị có thể không hiệu quả.
– Việc sử dụng lại toa thuốc lần trước có thể gây nguy hiểm cho trẻ, nhất là những trẻ lần này lại mắc bệnh nghiêm trọng hơn lần trước mà phụ huynh không có khả năng phát hiện sớm bệnh cho trẻ.
– Việc tự ý dùng thuốc cho trẻ khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ lâu dần có thể trở thành “sự lạm dụng thuốc một cách tự ý” dẫn đến tác hại không thể lường hết cho trẻ. Đã có trường hợp trẻ bị cảm ho sốt sơ sơ nhưng cha mẹ lại cho trẻ dùng kháng sinh Chloramphenicol (tên biệt dược nổi tiếng trước đây Tifomycine) thường xuyên đã dẫn đến hậu quả sau một thời gian dùng thuốc trẻ bị chứng “thiếu máu bất sản” dẫn đến tử vong
Một vài lời khuyên dành cho những Bác sĩ mang tên Bố mẹ
Phụ huynh nên tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ nhất là việc định liều thuốc sử dụng hợp lý nhằm mang lại hiệu quả và sự an toàn tuyệt đối trong suốt thời gian trị bệnh cho trẻ.
Cha mẹ đừng quá tự tin khi làm bác sĩ cho con vì không phải bệnh lý nào ở trẻ phụ huynh cũng có thể tự chữa khỏi qua việc tự mua thuốc về điều trị cho trẻ, có những bệnh lý tuy đơn giản như: bệnh cúm bệnh sởi nhiễm siêu vi… nhưng diễn biến lại rất phức tạp, đôi khi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Do đó, cách tốt nhất mỗi lần trẻ bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để có những lời khuyên và cách điều trị tốt nhất từ bác sĩ.
Nguồn: duocsi.edu.vn