Search
Chủ Nhật 8 Tháng Mười Hai 2024
  • :
  • :

Nhận diện và điều trị bệnh viêm não tự miễn

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...
Chia sẻ:

Viêm não tự miễn là bệnh hiếm gặp, nguy hiểm, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công tế bào thần kinh trong não, gây rối loạn chức năng não và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người bệnh.

Viêm não tự miễn là bệnh hiếm gặp, nguy hiểm

Viêm não tự miễn là bệnh hiếm gặp, nguy hiểm

Bài viết dưới đây bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn sẽ cung cấp thông tin chi tiết về bệnh viêm não tự miễn và các phương pháp điều trị hiệu quả.

Cơ chế bệnh sinh của viêm não tự miễn

Hệ miễn dịch của cơ thể, bao gồm các tế bào bạch cầu và kháng thể, có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, trong viêm não tự miễn, hệ miễn dịch nhầm lẫn và nhận diện các tế bào thần kinh trong não như một yếu tố lạ, dẫn đến việc tấn công và gây tổn thương não bộ. Điều này gây ra rối loạn chức năng hệ thần kinh và ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ.

Các dạng viêm não tự miễn thường gặp

Viêm não tự miễn có nhiều loại, được phân biệt theo kháng thể tự miễn hoặc yếu tố gây phản ứng viêm trong hệ thần kinh trung ương. Mỗi loại có các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng khác nhau:

  • Viêm não tự miễn do kháng thể NMDA: Đây là một dạng viêm não tự miễn phổ biến, xảy ra khi kháng thể tự miễn tấn công vào thụ thể NMDA, một thụ thể quan trọng giúp truyền tải tín hiệu giữa các tế bào thần kinh. Ban đầu, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng rối loạn tâm thần như ảo giác, lo âu và thay đổi hành vi đột ngột. Tiến triển của bệnh có thể dẫn đến co giật, mất khả năng nói, suy giảm nhận thức, và thậm chí là hôn mê.
  • Viêm não tự miễn do kháng thể kháng thụ thể AMPA: Loại viêm não này chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi và có liên quan đến ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, vú hoặc tuyến giáp. Kháng thể tự miễn tấn công vào thụ thể AMPA, một thụ thể quan trọng trong não. Triệu chứng điển hình bao gồm mất trí nhớ ngắn hạn, khó tập trung, ảo giác, rối loạn nhận thức và co giật.
  • Viêm não tự miễn do kháng thể kháng LGI1: Loại viêm não này chủ yếu gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt là nam giới. Khi kháng thể tự miễn tấn công vào protein LGI1, nó sẽ ảnh hưởng đến các thụ thể thần kinh, gây ra các vấn đề cả về thể chất lẫn tâm thần. Triệu chứng thường gặp là co giật ở một vùng của cơ thể (như cánh tay hoặc mặt), mất trí nhớ, suy giảm nhận thức và thay đổi hành vi.
  • Viêm não tự miễn do kháng thể kháng GABA: Kháng thể tự miễn tấn công vào thụ thể GABA, một thụ thể quan trọng trong việc kiểm soát sự kích thích thần kinh. Viêm não tự miễn do kháng thể GABA có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Các triệu chứng bao gồm co giật mạnh, động kinh, suy giảm ý thức, cùng các biểu hiện tâm thần như ảo giác, lo âu và mất khả năng tập trung.

Chẩn đoán viêm não tự miễn

Không như các bệnh thông thường, chẩn đoán viêm não tự miễn dựa vào triệu chứng lâm sàng và các kiểm tra chuyên sâu như:

  • Xét nghiệm máu: Phát hiện kháng thể tự miễn đặc hiệu liên quan đến bệnh.
  • Chọc dịch não tủy: Kiểm tra dấu hiệu viêm hoặc sự hiện diện của kháng thể tự miễn trong dịch não tủy.
  • Chụp CT-Scanner: Phát hiện các khối u có thể gây rối loạn miễn dịch.
  • Chụp MRI sọ não: Xác định tình trạng viêm và các khu vực bị tổn thương trong não.

Do triệu chứng của viêm não tự miễn có thể giống với các bệnh lý thần kinh khác như động kinh hoặc tâm thần phân liệt, việc chẩn đoán phân biệt rất quan trọng để xây dựng phương pháp điều trị phù hợp.

Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tuyển sinh năm 2024

Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tuyển sinh năm 2024

Điều trị viêm não tự miễn

Điều trị viêm não tự miễn bao gồm nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh:

  • Điều trị nội khoa: Bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp, có thể bao gồm thuốc ức chế miễn dịch, lọc máu thay huyết tương hoặc thuốc globulin miễn dịch. Các thuốc bổ trợ như thuốc chống phù não, thuốc cắt cơn co giật và thuốc dự phòng nhiễm trùng cũng có thể được sử dụng.
  • Can thiệp xâm lấn: Đối với những bệnh nhân gặp khó khăn về hô hấp hoặc có khối u gây rối loạn miễn dịch, các biện pháp can thiệp như thở máy nội khí quản hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u sẽ được xem xét.
  • Hồi phục chức năng: Sau giai đoạn điều trị, bệnh nhân và gia đình sẽ được hướng dẫn các biện pháp hỗ trợ phục hồi ngôn ngữ và thể chất. Điều này giúp tăng khả năng hòa nhập và quay trở lại cuộc sống bình thường. Người trẻ và trẻ em có xu hướng hồi phục nhanh hơn, mặc dù quá trình phục hồi có thể kéo dài. Những dấu hiệu hồi phục sớm nhất là giảm co giật và cải thiện nhận thức, vận động.

Bác sĩ giảng viên Cao đẳng Y Dược khuyến cáo viêm não tự miễn là một bệnh lý ít gây tử vong nhưng rất khó chẩn đoán và điều trị. Mỗi dạng viêm não tự miễn có cơ chế riêng, liên quan đến các kháng thể khác nhau. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể giúp kiểm soát triệu chứng và giảm thiểu nguy cơ để lại di chứng nặng nề. Nếu bạn hoặc người thân có các triệu chứng như co giật, thay đổi hành vi, hoặc suy giảm trí nhớ, hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng rất quan trọng để phát hiện các dấu hiệu bất thường và can thiệp sớm.